Trong đó, nhiều người ở thôn Ngòi Di, xã Yên Thành tự đứng ra thành lập những tổ thợ, chuyên nhận thi công xây dựng nhà sàn bê tông đã và đang phát triển ngày một hiệu quả. Hiện nay, huyện Yên Bình đã chỉ đạo xây dựng một "Làng nghề làm nhà sàn truyền thống” tại thôn Ngòi Di, xã Yên Thành.
Thôn Ngòi Di có 163 hộ dân với gần 800 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc người Dao, chiếm 95%. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, thôn Ngòi Di đã hình thành các nhóm thợ chuyên làm nhà sàn bằng gỗ và theo thời gian được cha truyền con nối.
Thời điểm từ năm 2000 đến nay, nghề làm nhà sàn truyền thống vẫn duy trì và được chuyển sang xây dựng theo phương thức mới, đó là sử dụng vật liệu chủ yếu là gạch, cát sỏi, xi măng, sắt thép để làm nhà sàn. Toàn bộ hệ thống cầu thang, khung cột, kèo, quá giang, xà dọc, xà ngang…, đều được đổ bê tông, theo đúng nguyên mẫu nhà sàn gỗ.
Đặc biệt, xây dựng nhà sàn bằng bê tông đã rút ngắn thời gian thi công; khung nhà có khả năng chịu lực cao; có sức chống chịu được với thiên tai; là vật liệu không cháy và giảm được nhiều chi phí mà không làm mất đi nét truyền thống vốn có, bởi vậy mà được nhiều người lựa chọn. Những năm gần đây, từ nhu cầu thị trường làm nhà sàn bê tông ngày càng tăng cao, các tổ thợ ở thôn Ngòi Di đã nhận thi công nhiều công trình nhà sàn bê tông tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Anh Lý Văn Lành, 40 tuổi - Tổ trưởng một tổ thợ xây dựng nhà sàn bê tông ở thôn Ngòi Di chia sẻ: "Tổ của mình được thành lập từ năm 2009, gồm 15 thành viên, là những thợ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, tuổi đời trung bình từ 20 - 40 tuổi. Việc nhận thi công xây dựng nhà sàn cũng tùy theo yêu cầu, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Các thành viên trong tổ thường xuyên quảng cáo những hình ảnh, kết cấu, mẫu nhà sàn đã làm trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, TikTok. Qua đó, tổ nhận được nhiều hợp đồng xây dựng nhà sàn tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai…”.
Thôn Ngòi Di hiện đang có 9 tổ thợ, với trên 200 thành viên chuyên nhận thi công xây dựng nhà sàn bê tông. Các tổ thợ thường xuyên hợp tác, trao đổi, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, liên kết mở rộng thị trường cũng như việc giúp nhau trong quá trình thi công xây dựng.
Từ đó, nghề làm nhà sàn truyền thống tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình tại thôn Ngòi Di, giúp người dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Các tổ đều dành kinh phí đầu tư máy móc ngày càng hiện đại, hiện một số tổ thợ đã thực hiện thiết kế vẽ phối cảnh đồ họa hình thức, mẫu mã, kiểu cách và thuyết trình giới thiệu quảng bá sản phẩm nhà sàn bê tông trên máy vi tính.
"Thời gian để thi công xây dựng hoàn chỉnh một ngôi nhà thường mất từ 3 - 4 tháng. Trong đó, thợ nhận thi công riêng phần dựng khung cứng ngôi nhà, trung bình giá từ 150 - 200 triệu đồng; còn nếu trọn gói chủ nhà chỉ việc dọn đến ở thì giá nhân công xây dựng khoảng từ 350 - 400 triệu đồng/1 nhà”, anh Lành chia sẻ thêm.
Được biết, thôn Ngòi Di hiện có 98 hộ thì mỗi hộ đều có từ 2 - 3 người tham gia trong 9 tổ thợ xây dựng nhà sàn bê tông. Từ năm 2021 đến nay, các tổ thi công xây dựng được từ 80 đến trên 100 ngôi nhà sàn/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 7 đến trên 10 triệu đồng/tháng.
Anh Đinh Vũ Lập - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Di cho biết: "Thôn Ngòi Di hiện có hơn 95% nếp nhà sàn truyền thống được làm bằng bê tông. Đặc biệt, từ công việc làm nhà sàn bê tông đã tạo việc làm thường xuyên có thu nhập cao cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Nhờ đó, giờ thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, số hộ khá giàu đã chiếm trên 75%...”.
Thực hiện chỉ đạo của huyện và xã Yên Thành, thôn Ngòi Di đã có báo cáo chi tiết, cụ thể kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 9 tổ thợ làm nhà sàn truyền thống trong 3 năm gần đây với mức doanh thu, thu nhập đầu người đều tăng cao hàng năm. Mong rằng, "Làng nghề làm nhà sàn truyền thống” ở thôn Ngòi Di sau khi được cấp trên chứng nhận, phê duyệt sẽ tạo sức sống mới trên quê hương Yên Thành.
Vũ Đồng