Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và BHXH tỉnh.
Người tham gia BHXH đạt gần 40% lực lượng lao động trong độ tuổi
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, đoàn kết, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu bao phủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), (BHYT) cơ bản đều tăng so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với trên 18,2 triệu người, trong đó khoảng 3,92% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi với gần 14,7 triệu người; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt trên 93,3 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số.
Số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%. Cùng với đó, công tác quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường cải cách TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng kế hoạch theo nội dung tại Đề án 06 của Chính phủ…
Năm 2024, ngành BHXH bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2030. Với phương châm hành động: "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam", ngành BHXH phấn đấu đạt mục tiêu: tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 42,7%, LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 34,18%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 94,11%.
Yên Bái đạt 95% dân số tham gia BHYT
Theo báo cáo, đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có trên 82.700 người tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 20% lực lượng lao động, trong đó BHXH bắt buộc 56.300 người, BHXH tự nguyện 26.400 người; có 805.100 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 95% dân số. Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 100,6% kế hoạch; tỷ lệ nợ BHXH chiếm 1,81% trên tổng số thu. Trong năm đã giải quyết cho 40.900 người hưởng các chế độ BHXH, BHTN với số tiền chi trả trên 2.500 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho trên 1,2 triệu lượt bệnh nhân với số tiền gần 777 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động chuyên môn khác được BHXH tỉnh triển khai có hiệu quả, đặc biệt là công tác tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, thực hiện chuyển đổi số của ngành BHXH với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia, đơn vị, doanh nghiệp; đã kịp thời cập nhật bổ sung định danh cá nhân/căn cước công dân. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho trên 177.000 người, đạt 108,1% kế hoạch giao.
Tại Hội nghị, đại diện các vụ, ban chuyên môn của BHXH Việt Nam và đại diện chính quyền, BHXH một số tỉnh, thành phố đã phát biểu tham luận, làm rõ bức tranh toàn cảnh về tình hình thực hiện vận động tham gia và thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2023, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những nỗ lực, thành tích và sự cố gắng của ngành BHXH Việt Nam để đạt được nhiều kết quả nổi bật trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành BHXH trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030. Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp, đặc biệt phối hợp chặt chẽ trong việc sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT…; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.
Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp và góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cần phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu quỹ BHXH, BHTN, BHYT, để vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, vừa đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Đức Toàn