Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị giáo dục trong công tác tổ chức, thực hiện các hoạt động y tế trường học; tiếp tục củng cố, hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở vật chất và mạng lưới cán bộ y tế trường học, nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động y tế trong các nhà trường.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe đã được quan tâm đưa nội dung giáo dục sức khỏe vào kế hoạch giảng dạy hàng năm; công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai các chương trình y tế trong trường học nên phần lớn ổ dịch được phát hiện và kịp thời xử lý, không để lây ra diện rộng, không để tử vong do dịch…
Năm qua, đã có nhiều giải pháp triển khai như: phối hợp với đoàn Viện Sức khỏe nghề nghiệp về việc thử nghiệm bộ công cụ đánh giá thực trạng cấp nước và vệ sinh môi trường tại 2 trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái; rà soát nhân lực và tạo điều kiện cho cán bộ y tế trường học có trình độ chuyên môn y tế thực hành cấp chứng chỉ hành nghề; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học với 400 người tham dự; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại 36 trường học; tổ chức khám chuyên khoa cho 22.686 học sinh, đạt 101,4% kế hoạch giao.
Theo quan sát của phóng viên, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt quy định về công tác y tế trường học, có phòng y tế, tủ thuốc và các trang thiết bị thiết yếu; có cán bộ y tế trường học.
Cô giáo Đình Thị Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái cho biết: "Nhà trường quan tâm đầu tư, cung cấp đầy đủ vật tư cần thiết. Toàn trường hiện có 821 học sinh, trong học kỳ I đã khám cho 294 em, qua đó đã phát hiện các dấu hiệu bất thường, yếu tố nguy cơ về sức khỏe như: 49 em thừa cân béo phì; 53 em mắc bệnh răng miệng; 192 em mắc bệnh về mắt… Để đảm bảo môi trường an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra, cùng với xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, nhà trường thường xuyên phối hợp tuyên truyền phòng bệnh học đường, phòng chống dịch bệnh vào tiết chào cờ dịp đầu năm học, hay lồng ghép sinh hoạt lớp”.
Song song với những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cán bộ y tế trình độ chuyên môn không đồng đều, chất lượng chăm sóc sức khỏe chưa cao; hình thức, công tác giám sát các yếu tố vệ sinh trường học phần lớn được đánh giá theo cảm quan; kiểm tra, giám sát ở một số trường còn chưa khách quan... Những tồn tại, hạn chế trên còn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nhiều trường học chưa chủ động xây dựng kế hoạch với các cơ sở y tế để thực hiện các hoạt động y tế trường học, đầu tư cho y tế trường học còn thấp...
Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: "Để công tác y tế trường học đáp ứng yêu cầu, chúng tôi đã tích cực phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế trường học đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Cùng đó, phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tổ chức khám chuyên khoa cho học sinh và đặc biệt tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, công tác kiểm tra, giám sát phải đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, triển khai các hoạt động, các chương trình liên quan như: sữa học đường, nha học đường…”.
Tới đây, ngành giáo dục và đào tạo và ngành y tế cần tiếp tục đưa ra những giải pháp đồng bộ như: tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh thành lập ban chỉ đạo liên ngành về y tế trường học cấp tỉnh; nâng cao năng lực cho cán bộ làm y tế trường học các cấp; tiếp tục củng cố, đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tổ chức khám định kỳ, sàng lọc, phân loại sức khỏe; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác y tế trường học; đảm bảo kinh phí thực hiện, huy động sự tham gia, hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, chương trình dự án…
Trần Minh