Là một trong những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Văn Chấn, em Lò Thế Phương học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Gia Hội thường xuyên nhận được hỗ trợ, động viên từ các cấp chính quyền, đoàn thể. Em Phương xúc động chia sẻ: "Em mồ côi mẹ, bố đi làm ăn xa gửi em ở nhà với bác. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dịp lễ, tết nào em cũng được nhận quà, tiền mặt hoặc hiện vật như đồ dùng học tập. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, chăm ngoan nghe lời thầy cô giáo, người lớn, không phụ tấm lòng, niềm tin của mọi người dành cho em”.
Cũng như em Phương, 14 trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, 5 trẻ bị nhiễm HIV thuộc diện hộ nghèo, 64 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 72 trẻ khuyết tật nặng, 58 trẻ khuyết tật nhẹ trên địa bàn huyện Văn Chấn đều được các cấp chính quyền đoàn thể quan tâm, hỗ trợ. Để có nguồn lực cho các hoạt động này huyện đã vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa vận động ủng hộ từ các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài địa bàn.
Đi đôi với các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, hướng tới phát triển toàn diện cho trên 29.700 trẻ em dưới 16 tuổi, huyện Văn Chấn đã triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên 3 môi trường: gia đình, giáo dục, xã hội. Đối với môi trường gia đình, huyện tích cực tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em.
Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha, mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; hướng dẫn triển khai công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.
Đối với môi trường giáo dục, huyện thực hiện đúng, đủ, nhanh các chính sách, giải pháp nhằm phổ cập giáo dục, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học. Đảm bảo môi trường nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; đảm bảo y tế trường học.
Đặc biệt, đối với môi trường xã hội, huyện tổ chức truyền thông trong cộng đồng về trách nhiệm thông tin khi trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tinh thần. Thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kết nối, chuyển tuyến, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong đó có kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và tổng đài 18001776 của tỉnh Yên Bái.
Anh Nguyễn Đức Việt ở xã Đồng Khê cho biết: "Tôi có 2 con nhỏ đang học lớp 3 và lớp 6. Qua các hoạt động tuyên truyền về trẻ em của xã, huyện, gia đình tôi có thêm kiến thức để chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhất là các biện pháp để giáo dục con gái tôi có các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực, xâm hại”.
Bên cạnh đó, những năm qua, huyện luôn bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95%; duy trì bền vững thành quả "thanh toán” bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh; triển khai thực hiện tốt chương trình khám sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng tạo miễn dịch cơ bản đạt 100%; trên 90% số trẻ mầm non, học sinh phổ thông được sàng lọc, tư vấn điều trị cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường.
Thời gian tới, để công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp tục phát triển, huyện xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, HIV; tập trung giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội, tạo cơ hội phát triển bình đẳng, toàn diện.
Lê Thương