Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024)

Món quà mừng sinh nhật Bác của C3, K7, E66

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/4/2024 | 6:44:39 AM

YênBái - "Ngày 19/5/1974, chúng tôi, những chiến sĩ giải phóng quân đã anh dũng chiến đấu và giành chiến thắng tại căn cứ X74 (Đắk Pét), một căn cứ quan trọng và khó đánh chiếm tại mặt trận Tây Nguyên của Mỹ - ngụy. Thành tích của cán bộ, chiến sĩ là món quà dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh của Người". Ký ức máu và hoa đó đã được lưu giữ trong cuốn nhật ký của thầy giáo, cựu binh Hứa Lại Hồng.

Cựu chiến binh, thầy giáo Hứa Lại Hồng
Cựu chiến binh, thầy giáo Hứa Lại Hồng

Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm về xóm Bờ Mương, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên để gặp lại người thầy giáo, người chiến sĩ giải phóng quân Hứa Lại Hồng để được nghe ông kể chuyện chiến đấu và được tận mắt ngắm nhìn cuốn nhật ký thời chiến của ông. Có thể, cuốn nhật ký này không nổi tiếng như thể cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nhưng những nét chữ nghiêng nghiêng trong cuốn sổ nhuốm màu thời gian ấy cũng đầy máu, mồ hôi và nước mắt, cũng rất vẻ vang và oai hùng. 

"Tớ sinh năm 1950, người quê Cổ Phúc, năm 1974, đang làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa thì có lệnh nhập ngũ. Vậy là phải gác lại bảng đen, phấn trắng để lên đường. Huấn luyện xong thì về C3, K7, E66, F10, trước là B3 Tây Nguyên, sau đổi tên thành Quân đoàn 3, là đồng ngũ với lão Sơn người Nga Quán, giờ làm thợ mộc; lão Dư, người Y Can, lão Thông, người Đào Thịnh, cả 2 là thương binh nặng, trưởng thành nhất có Đỗ Bá Tỵ, sau này lên Đại tướng, rồi giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Giáo viên mà, thích viết lách lắm, dù không phải là chính trị viên nhưng sau mỗi trận đánh, sau mỗi cuộc hành quân là tôi lại mở sổ ghi chép, thuật lại tỉ mỉ, với mong muốn mai này hết giặc, trở về làng dạy học, thi thoảng mở ra đọc lại cho lũ học trò nghe” - chú Hứa Lại Hồng, người cựu giáo chức, người cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước đã nói với chúng tôi như vậy. 

Nói rồi, chú đưa cho tôi cuốn nhật ký thời chiến, chú bảo: "Anh cứ ngồi xem, tôi đi lấy bó lá thuốc cho người ta, vẫn làm ông lang vườn, nối nghiệp cha ông, chữa bệnh giúp người”. Tôi chậm rãi  lật dở từng trang nhật ký bạc màu, trang nào cũng đầy ắp gian nan, vất vả, hy sinh, mất mát và cũng vẻ vang, oai hùng. Dừng lại ở trang viết có dòng tiêu đề "Chiến công dâng mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1974) - X74”. "Xin phép chú cho cháu chép lại những dòng chữ như thể viết bằng máu để chia sẻ cùng bạn đọc"- tôi nói.

Ngày 14/5/1974, giờ N chỉ còn khoảng hơn chục tiếng nữa là tới, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa cảnh bảo: Nếu đế quốc Mỹ không nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, không ngừng ngay hành động lấn chiếm vùng giải phóng sẽ bị trừng trị đích đáng…”, toàn đơn vị được lệnh tập hợp để quán triệt kế hoạch tấn công, quyết tâm chiến đấu, đánh chiếm X74 làm quà dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Ngày sinh lần thứ 84 của Người. 

Đắk Pét là một căn cứ Mỹ - ngụy cách thị xã Kon Tum 80 km về phía Bắc, nơi đây có địa hình rất thuận lợi cho việc phòng thủ gồm một dãy núi cao, tiếp đến là loạt đội thoai thoải rồi hướng ra sông Pô Cô, địch bố trí 1 tiểu đoàn biệt động quân gồm 800 lính, tăng cường một tiểu đoàn thiếu gồm 200 lính ngụy và khoảng 300 lính bảo an, dân vệ; địch còn bố trí trận địa gồm 4 pháo 105, 4 khẩu cối 81, nhiều đại liên K58. 

Đêm 15/5, các mũi của ta bí mật áp sát hàng rào kẽm gai, đào hầm trú ần, chuẩn bị vị trí chiến đấu, đợi lệnh nổ súng. Toàn đơn vị ăn vội bữa tối thì bỗng dưng pháo địch bắn vào trận địa, máy bay C130 khuấy đảo trên trời, liên tiếp bắn xuống, có lẽ kế hoạch tấn công bị lộ, chúng tôi dự đoán như vậy. Đã xuất hiện thương vong, trong đó một quả đạn cối rơi trúng cửa hầm khiến anh Nguyễn Văn Thông, nhà ở cống Tài Còm, Cổ Phúc hy sinh. Tiếc thương anh quá, vừa mới chiều qua anh Thông được gặp người em trai là Nguyễn Văn Lai (Lai từ Bắc mới được bổ sung vào đơn vị, tham gia luôn trận đánh này). 

Sáng 16/5, máy bay AD6 của địch lượn vòng rồi điên cuồng ném bom vào vị trí đóng quân của ta, nguy cơ thương vong là rất lớn, chỉ huy ra lệnh đánh trả, những loạt đạn bay vút lên trời, bị bất ngờ nên 1 chiếc bốc cháy rừng rực rồi lao xuống núi. Chỉ huy ra lệnh cho tiểu đội của tôi đi trước mở đường; 2 giá mìn đã gài sẵn phát nổ, một đoạn hàng rào thép gai dài khoảng 15 m bị thổi bay. Những giá mìn lại nổ, những lớp thép gai tiếp theo lại bị thổi bay, nhiệm vụ mở cửa đã hoàn thành, bộ đội ta xông lên bắn thẳng về phía địch. 

Từ các lô cốt, địch bắn ra còn mạnh hơn, hai quả mìn lớn được anh Toàn và anh Men kích nổ, bức tường bê tông bị đánh sập, xe tăng của ta được lệnh xuất kích. Các xạ thủ B40, B41 liên tiếp bắn về phía địch, hỏa lực mạnh, đạn trúng mục tiêu, những khẩu đại liên của địch đều câm họng, anh em băng mình qua khói lửa, chạy dưới làn đạn để chiếm giữ các mục tiêu, lần lượt đồi A, đồi B, điểm D đã được các đơn vị của ta chiếm giữ, địch lần lượt ra hàng, tên nào tên nấy mặt xanh, chân run cầm cập. 12 giờ ngày 16/4, toàn bộ địch ở Đăk Pét đã ra hàng. 

Cờ giải phóng được kéo lên, đồng bào người Thượng, người Kinh từ các làng bản gần đó ùa ra đón bộ đội. Tập hợp tù binh, thu hồi vũ khí, cấp trên triển khai phương án toàn đơn vị cơ động vào rừng, dẫn giải theo tù binh. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn, bởi ngay sau đó, địch sử dụng nhiều tốp máy bay ném thẳng bom vào căn cứ Đắk Pét, một trận chiến đất đối không quyết liệt nữa lại diễn ra. Pháo cao xạ, 12,5 ly của ta đánh trả từng tốp 6 chiếc, 8 chiếc máy bay AD6, đã có những chiếc trúng đạn bốc khói ngùn ngụt, cuối cùng chúng phải bỏ chạy, dù vậy bom địch cũng trúng cuối đội hình di chuyển, gây ra một số thương vong, trong đó có nhiều tù binh. Đêm 16/4, C130 của địch bắn nhiều loạt đạn vào cứ điểm nhưng không gây ra thương vong cho ta, có lẽ đây là sự kháng cự trong vô vọng của lính ngụy. 

Tổng kết trận đánh, ta tiêu diệt, bắt sống 1.300 tên địch, trong đó có viên chỉ huy và nhiều sĩ quan, thu giữ nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng; bắn cháy 1 trực thăng C130, 2 máy bay phản lực AD6; giải phóng hơn 5.000 dân và một vùng rộng lớn. Riêng Đại đội 3 của đồng chí Hứa Lại Hồng đã lập được chiến công lớn, đi trước mở đường cho xe tăng và bộ đội tiến công vào cứ điểm; trực tiếp tiêu diệt 30 tên, bắt sống 65 tên; thu giữ 1 máy vô tuyến điện, 64 súng AR15, 1 cối 61 và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác. Đại đội 3 của ta cũng hy sinh 4 đồng chí, trong đó có A trưởng Nguyễn Văn Toàn, A trưởng Nguyễn Thạc Thông cùng 2 chiến sĩ cối 82; 5 đồng chí bị thương nhẹ vẫn tiếp tục chiến đấu.

Hoàn thành nhiệm vụ, sáng ngày 18/5, đơn vị bàn giao trận địa Đắk Pét cho bộ đội địa phương rồi di chuyển về hậu phậu cứ một cách an toàn. Sáng ngày 19/4/1974, toàn đơn vị tổ chức ăn mừng chiến thắng và kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh treo trang trọng dưới quốc kỳ đỏ thắm, bữa liên hoan có thêm phần cơm, thịt đóng hộp… chiến lợi phẩm thu được từ căn cứ Đắk Pét. Lãnh đạo chỉ huy biểu dương, khen ngợi toàn đơn vị lập được chiến công lớn, góp phần "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời Bác đã dạy. Quán triệt nhiệm vụ chăm sóc thương, bệnh binh; rút kinh nghiệm chiến đấu; chuẩn bị vũ khí, trang bị sẵn sàng bước vào những trận đấu mới cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam…

Đọc đến đây thì chú Hồng đi lấy lá thuốc trở về, vẫn giọng nói nhẹ nhàng, chú bảo: "Tớ tham gia quân ngũ đến tháng 8/1979 thì phục viên; lại làm nghề giáo viên các trường Kiên Thành, Tân Đồng, Hòa Cuông, rồi về nghỉ chế độ; lại lên rừng hái lá thuốc chữa bệnh giúp người - cái nghề mà cha tôi, ông thầy lang Tài Khách truyền lại. Thi thoảng mình cũng đi thăm thú bạn bè đồng ngũ, ôn chuyện chiến đấu, hành quân”. Cảm ơn những thế hệ các chú đã cống hiến và hy sinh; trân trọng những chiến công mà quân giải phóng đã anh dũng lập lên. Cuốn nhật ký lại được gói ghém cẩn thận để vào tủ như một tải sản quý giá. Hẹn một bữa khác lại được nghe chú Hồng kể chuyện, lại được xem cuốn nhật ký ghi dấu một thời máu lửa này...

Lê Phiên

Các tin khác
Cô Nguyễn Thu Thảo (đứng giữa) giờ đây vẫn tích cực tham gia văn hóa văn nghệ cùng Hội Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái.

Nơi phòng khách của ngôi nhà số 79, đường Lê Văn Tám, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái có một tấm ảnh cô thiếu nữ đẹp trong veo giữa tuổi thanh xuân, trên góc phải có dòng chữ: “Duy Phước “Kỷ niệm giải phóng miền Nam 1975”. Nhân vật của tấm hình không ai khác chính là cô chủ nhà bây giờ đã ở tuổi U70 mà nét đẹp thời son trẻ vẫn còn đằm lại. Cô tên Nguyễn Thu Thảo.

Anh Sùng A Tủa cùng đồng bào Mông ở Phình Hồ giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của quê hương.

Xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đang được đánh thức trở nên đẹp ngỡ ngàng, thu hút khách du lịch cả lúc bình mình, hoàng hôn và đêm xuống. Một Phình Hồ đang xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ, nâng giá trị chè búp tươi cho địa phương lên gấp gần 3 lần. Diện mạo, sức sống mới tươi trẻ, năng động đang dần hiện hữu ở một xã vùng cao xa xôi với những bước đi đầy tâm huyết, táo bạo của những người trẻ tuổi.

Thường trực Hội CTĐ tỉnh trao biểu trưng hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà cho gia đình chị Lương Thị Liên ở thôn 6, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.

Những ngôi nhà chữ thập đỏ đã và đang được xây dựng chính là nghĩa cử cao đẹp của cả cộng đồng giúp người nghèo an cư, là "đòn bẩy” để những hoàn cảnh khó khăn yên tâm phát triển kinh tế.

Hành khách làm thủ tục bay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục