Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, có sức lan tỏa, tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi tuân thủ pháp luật của người dân, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, PBGDPL để phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phản ánh hoạt động thực thi pháp luật tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương; giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan thiết thực tới đời sống cán bộ, nhân dân như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ; giải đáp những thắc mắc về pháp luật; giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình, những mô hình, cách làm hay trong công tác PBGDPL…
Hình thức tuyên truyền đa dạng thông qua việc xây dựng các bản tin; chuyên trang, chuyên mục trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; phát tờ rơi, tờ gấp; lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp; đăng tải trên các nền tảng facebook, zalo, fanpage.
Công an tỉnh, Sở Tư Pháp, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã duy trì tốt việc tuyên truyền PBGDPL trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh với các chuyên trang, chuyên mục như: "Pháp luật với cuộc sống", "An ninh Yên Bái”, "An ninh trật tự"; "Quyết định mới, chính sách mới", "Quốc phòng toàn dân", "An toàn giao thông"…
Cùng với đó, để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, công tác PBGDPL đã được các cơ quan: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh… thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hòa giải ở cơ sở.
3 năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm phiên tòa xét xử lưu động, thu hút đông đảo người dân quan tâm, theo dõi; các hòa giải viên ở cơ sở đã hòa giải thành 6.188/6747 vụ, việc; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý 1.409 vụ việc cho 1.409 người, trong đó tham gia tố tụng 951 vụ việc, còn lại là tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật.
Những hoạt động này đã góp phần giúp ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân nâng lên rõ rệt. Số vụ vi phạm pháp luật giảm dần, đặc biệt là các vụ vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông.
Anh Sùng A Lử ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nhờ tham gia những buổi tuyên truyền tại địa phương, tôi đã hiểu hơn các quy định của pháp luật… Từ đó, gia đình tôi không chặt phá rừng bừa bãi làm nương, làm rẫy, không tranh chấp đất đai, sống chan hòa, đoàn kết với hàng xóm. Tôi mong muốn các cấp, các ngành sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để chúng tôi có thêm nhiều kiến thức”.
Theo đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế hợp lý, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL; gắn công tác PBGDPL với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng, các cán bộ chuyên trách và Hội đồng phối hợp PBGDPL trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Đồng thời, tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động PBGDPL phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn; tích cực lồng ghép công tác PBGDPL với việc thực hiện các chương trình, phong trào vận động quần chúng khác; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, PBGDPL với việc tổ chức thi hành pháp luật…
3 năm qua, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh đã tổ chức và lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL tại 7.865 hội nghị, thu hút trên 721.000 lượt người tham dự; phát hành 323.590 tài liệu tuyên truyền pháp luật, trong đó đăng tải trên Internet 10.400 tài liệu tuyên truyền; tổ chức 56 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật với trên 376.500 lượt người tham gia. |
Hồng Oanh