Năm 2023, nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo bền vững toàn tỉnh Yên Bái đạt trên 4.709 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 2.504 tỷ đồng (chiếm 53,19%); vốn ngân sách địa phương 630,04 tỷ đồng (chiếm 13,38%); vốn ODA 341,583 tỷ đồng (chiếm 7,25%); vốn huy động hợp pháp khác do doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp 33,241 tỷ đồng (chiếm 0,7%)...
Từ các nguồn vốn, thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, năm qua, Yên Bái có nhiều giải pháp, thực hiện các chính sách, hoạt động hỗ trợ giảm nghèo cơ bản đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với 25.237 hộ; trong đó, số khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 9.432 hộ với tổng số vốn cho vay 668,9 tỷ đồng.
Cùng đó, tỉnh đã đóng hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho 357.924 đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn… với tổng kinh phí 294,174 tỷ đồng.
Song song với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm, đào tạo nghề cho 3.797 người, đạt 108,49% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm 12.013 người, đạt 100,1%; giải quyết việc làm 4.976 người, đạt 95,6%; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 1.296 người, đạt 99,6%...
Ngoài ra, các chính sách: hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở… được triển khai thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng. Vì vậy, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,16%, có 8.221 hộ có sự chuyển biến về kinh tế, cải thiện về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có đủ điều kiện để thoát nghèo, đạt 107,3% so với kế hoạch. Trong đó, 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu vượt kế hoạch tương đối cao, lần lượt đạt 130,7% và 109,5%.
Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Các chương trình giảm nghèo đã đến được các đối tượng thụ hưởng, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn gặp những khó khăn. Số ít hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
Một số nội dung hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nội dung các văn bản điều chỉnh, thay đổi nhiều lần, đòi hỏi các địa phương cũng phải điều chỉnh các văn bản quy định và hướng dẫn của địa phương, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình.
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình đạt thấp, cụ thể tại các dự án như: Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững, vướng mắc về tiêu chí xác định lao động có thu nhập thấp được hỗ trợ học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Ông Vũ Lê Thành Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Để đạt các mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngành chủ động tham mưu với tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo. Theo đó, tập trung tăng cường sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững, tiếp tục tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giảm nghèo gắn với đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, thực hiện tốt các hoạt động bảo trợ xã hội đối với người nghèo… thúc đẩy Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả”.
Trần Minh