Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, xã Suối Bu có 507 hộ dân sinh sống ở 4 thôn, bản, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 75% dân số toàn xã. Do nhận thức còn hạn chế nên nhiều năm trước đây, tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã còn diễn ra. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó vai trò của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, tiêu biểu với nhiều hoạt động, phong trào như: "Ngày thứ Bảy cùng dân”, "Ngày Chủ nhật xanh”, Phong trào "5 không 3 sạch”... được triển khai sâu rộng, có hiệu quả tích cực.
Cùng đó, với sự quan tâm của Nhà nước đã đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đến nay số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 92%, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 57%. Ở xã Suối Bu vào thứ Bảy hằng tuần, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã lại tập trung hội viên tham gia quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Những công việc quen thuộc như quét dọn tuyến đường trục xã, trục thôn; khơi thông cống thoát nước ven đường; thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt hàng ngày luôn nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trước đây, những tuyến đường trải dài vào thôn có nhiều cây rậm rạp, cỏ dại um tùm, thậm chí rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay, vẫn những tuyến đường ngõ, xóm ấy đã được hội viên, phụ nữ và nhân dân trong xã quét dọn vệ sinh sạch sẽ, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Chị Giàng Thị Sểnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bu chia sẻ: "Để những hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực và hiệu quả, Hội đã đảm nhận công trình, phần việc phù hợp với khả năng, điều kiện của phụ nữ và tình hình thực tế tại cơ sở trong triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như: phát động phong trào trồng hoa, cây cảnh trên các đoạn đường tự quản; thu gom, xử lý rác thải; dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường… Qua các hoạt động vệ sinh môi trường giúp nâng cao nhận thức cho hội viên và gia đình trong việc giữ gìn vệ sinh, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, xây dựng khu dân cư sạch, đẹp”.
Huyện Văn Chấn có 24 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, cùng với việc thu hút nguồn lực đầu tư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, Hội LHPN các cấp đã phát động các phong trào như: "Phong trào xây dựng nhà sạch, vườn đẹp”, Phong trào "5 không, 3 sạch”, Phong trào Văn Chấn chung tay xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện hiệu quả, hình thành nếp nghĩ, thói quen sống thân thiện với môi trường trong cán bộ, hội viên.
Nhờ đó mà hội viên, phụ nữ và nhân dân trong thôn, xã đã xây dựng hàng trăm tuyến đường hoa, đoạn đường phụ nữ, thanh niên tự quản. Đặc biệt với chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ truyền thông hiệu quả đã thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải khu chăn nuôi, không chăn thả gia súc gần nhà ở. Một số khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, nhất là ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Từ các phong trào, cuộc vận động xây dựng những tuyến đường, mô hình xanh - sạch - đẹp đã giúp các gia đình, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; không để khói bụi, rác thải gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống cho nhân dân địa phương.
Trên thực tế, Hội LHPN huyện Văn Chấn đã phát huy tốt vai trò, sự năng động trong việc cụ thể hóa nhiều hoạt động, phong trào thi đua thông qua các mô hình, phần việc cụ thể, thiết thực, tạo động lực, khát vọng vươn lên cho hội viên, phụ nữ trong cuộc sống xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc, xã hội văn minh phát triển.
Bà Hà Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian tới, Hội tiếp tục tập trung đổi mới cách thức hoạt động hướng về cơ sở, đồng thời chú trọng chỉ đạo các cấp hội cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần đưa phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn”. Huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025 có 70% xã đạt nông thôn mới thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Có thể khẳng định, qua công tác tuyên truyền người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Văn Chấn đã thay đổi nhận thức thói quen, có ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, từng bước góp phần xây dựng môi trường sống xanh, lành mạnh.
Bùi Minh