"Có một cô giáo mà tôi rất kính trọng từng nói: Giá trị căn bản của lịch sử không nằm ở những con số, không phụ thuộc vào học sinh nhớ được bao nhiêu cái tên, mốc thời gian mà nằm ở việc họ có cảm nhận được là ngày hôm nay của học sinh được đánh đổi bằng bao xương máu của cha ông..." - Minh Anh, thí sinh Trường Teen 2019 (kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV 7) chia sẻ.
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Vì sao mà môn Lịch sử đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo "ưu ái” đưa lên thành môn học bắt buộc trong các cấp học, dù có những ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội hay không? Có lẽ một số bạn trẻ đã đưa ra đáp án là: Nếu không hiểu biết về lịch sử ắt sẽ dễ dàng phân biệt vùng miền.
Trên thực tế, có rất nhiều hình thức phân biệt vùng miền, nhưng nổi cộm nhất trong đó là vấn đề Nam - Bắc. Không khó chút nào để bắt gặp hàng loạt những bình luận có tính miệt thị như sử dụng từ "Bắc kỳ”, "Namkiki” trong những video thậm chí chẳng hề có nội dung liên quan trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là một thuật ngữ mang ý nghĩa không mấy tích cực và khá nhạy cảm dành cho mỗi vùng miền, đặc biệt là với người miền Bắc hiện nay và được cho là không nên sử dụng bừa bãi. Vấn nạn này đã xảy ra được một thời gian với phạm vi, mức độ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn, đặc biệt trên nền tảng TikTok với sự tham gia của nhiều người. Thực trạng này từ lâu nay đã bị xã hội lên án và nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn tối đa. Tuy nhiên, sự kì thị, phân biệt vùng miền luôn âm thầm tồn tại trong một bộ phận những người có chiều hướng suy nghĩ lệch lạc, vấn nạn này sẽ từ đó mà vô tình được bùng phát lên bất cứ lúc nào.
Thật đáng buồn, khi thế hệ cha ông đã phải hiến dâng tuổi xuân, xương máu cho hòa bình và thống nhất đất nước thì một bộ phận người trẻ hôm nay lại mang đó ra làm trò giễu cợt! Nực cười thay, những người buông lời miệt thị, cay nghiệt dành cho chính đồng bào mình lại đều chưa từng trải qua bất kỳ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nào, cuộc đấu tranh duy nhất mà họ tham gia là ngồi bàn và ..."gõ phím"!
Một trong những ví dụ về cuộc chiến đấu của các "anh hùng bàn phím" là sự bình phẩm khiếm nhã với một định kiến khá nổi bật dành cho người miền Bắc, đó là việc đánh tráo khái niệm giữa "tiết kiệm" và "tằn tiện". Không phủ nhận người miền Bắc đa số lựa chọn lối sống không xa hoa, bởi nguyên nhân sâu xa là những năm tháng đất nước chiến tranh, chẳng hạn như thời kỳ chống Mỹ, miền Bắc phải "thắt lưng, buộc bụng” vừa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho tiền tuyến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy nên việc chắt chiu, tiết kiệm từng hạt gạo, đồng tiền lúc bấy giờ luôn là nhiệm vụ bức thiết. Tiếp tục những năm sau này của thời kỳ bao cấp, như một lẽ tự nhiên, đức tính "cần, kiệm” đã trở thành thói quen, "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện" duy trì đến hôm nay..., thế nhưng lại bị đem ra để bêu riếu, châm chọc. Lời nói ảo nhưng tổn thương lại là thật!
Tuy nhiên, một cách công bằng thì không chỉ miền Bắc mà bất kỳ vùng miền nào, kể cả miền Trung, miền Nam cũng đều có khả năng trở thành đối tượng bị miệt thị, phân biệt. Một ví dụ gần đây, đó là một TikToker có tên "Nhật Hải biết tuốt” đã đăng tải nội dung gây tranh cãi khi nói "Sài Gòn là nơi lý tưởng cho tội phạm hoạt động" và đã phải ngay lập tức lên bài xin lỗi.
Luật pháp Việt Nam đã quy định rõ, hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù là vô tình hay cố ý, lời nói mỉa mai, châm chọc hoặc phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc tập thể. Người có hành vi này có thể đối mặt với truy cứu trách nhiệm hình sự với "tội làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, áp dụng pháp luật chỉ khả thi với những đối tượng công khai danh tính điển hình như TikToker trên, còn lại vô vàn những tài khoản ảo trên không gian mạng vẫn đang ngày ngày "khua khoắng" và hả hê khi cố tình hạ nhục người khác như một trò tiêu khiển mua vui thì lại chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Nguyên nhân của vấn nạn này, sâu xa, có thể bắt nguồn từ sự thiếu hụt về giáo dục, khi một số bạn trẻ có tư tưởng lệch lạc, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động lại thích "đú trend". Họ có học môn Lịch sử ở trong nhà trường, nhưng không "thấm" được gì qua những bài học đó. Một số thì theo tâm lý đám đông, cho rằng chỉ hùa theo cho vui mà không màng đến hậu quả của nó. Thậm chí vì mưu cầu sự nổi tiếng hão mà nhiều người cố ý tạo ra những video, bình luận trái chiều về một vấn đề mang tính miệt thị, gây tranh cãi chỉ để thu hút lượt xem, like.... Nguy hiểm hơn, vấn nạn này sẽ tạo ra hiệu ứng lây lan, ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng đến các thế hệ sau, đến cả các em nhỏ, mới chỉ là những tờ giấy trắng.
Phân biệt vùng miền là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, vấn nạn này ngày càng khó kiểm soát khi nó lan rộng trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch có thể dễ dàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để chia rẽ nội bộ đất nước. Vậy nên những người dùng mạng xã hội cần sáng suốt để không rơi vào "bẫy” phân biệt vùng miền. Hành vi phân biệt vùng miền, gây ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để có thêm sự hiểu biết sâu sắc về những từ ngữ, khái niệm được đem ra tranh cãi trên mạng xã hội mang tính chất kỳ thị, hơn ai hết, những người tham gia mạng xã hội phải có một "cái đầu lạnh" và phải có một "phông" kiến thức lịch sử, văn hóa cơ bản. Việc học tốt môn Lịch sử cũng như am hiểu các môn khoa học xã hội khác và trải nghiệm, đúc rút kinh nghiệm sống là một điều kiện để không rơi vào "bẫy” phân biệt vùng miền. Nên thay vì chạy theo trào lưu tiêu cực, hãy chia sẻ những hình ảnh đẹp về các vùng miền trên cả nước theo tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", truyền đi thông điệp tích cực, tạo môi trường mạng lành mạnh và văn minh, biết quan tâm và chăm sóc đến người khác thay vì quan tâm để kỳ thị.
Đỗ Y Trang