Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025).
Tại
Hội nghị đối thoại, các bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín các xã Lao Chải, Mồ Dề, Chế Cu Nha… trên cơ sở nắm rõ mục đích, nội dung, trách nhiệm tham gia đối thoại và tinh thần trách nhiệm thể hiện vai trò của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị đã bày tỏ nhiều ý kiến mang tính xây dựng nhằm giúp cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Có rất nhiều ý kiến của hội viên, phụ nữ về các vấn đề liên quan tới phụ nữ vùng cao, vùng sâu, vùng xa được đặt ra như: xóa mù chữ cho chị em phụ nữ, đào tạo nghề và việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là cho lao động nữ; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và xuất nhập cảnh trái phép; phòng chống tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống; phụ nữ sinh con tại nhà; vi phạm chính sách dân số; lừa đảo qua mạng xã hội…
Chị Lù Thị Mú - bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha chia sẻ: "Được nghe những giải đáp, thông tin của cán bộ cơ quan chức năng đã giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin hữu ích, cần thiết. Cá nhân tôi rất tâm đắc với những thông tin của cán bộ công an liên quan tới phòng chống mua bán người, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Nghe cán bộ nói, tôi có thêm kiến thức để nâng cao tinh thần cảnh giác cho bản thân và tuyên truyền tới người thân trong gia đình cùng nâng cao tinh thần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo trên không gian mạng và mua bán người”.
Một trong những vấn đề được nhiều hội viên và phụ nữ đặc biệt quan tâm là giải pháp giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trực tiếp tham gia Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy khẳng định: Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện đồng bộ các giái pháp để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Hàng năm thực hiện Chương trình hành động của tỉnh, Hội LHPN tỉnh ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu cho các huyện, thị, thành phố thực hiện.
Năm 2024, thực hiện Chương trình hành động số 118 của tỉnh, Hội LHPN tỉnh được giao hỗ trợ 80 mô hình sinh kế về chăn nuôi, trong đó huyện Mù Cang Chải được giao 5 mô hình, đến nay huyện đã hỗ trợ được 2 mô hình nuôi trâu; hỗ trợ giúp 245 hộ gia đình có hội viên phụ nữ thoát nghèo và 220 hộ thoát cận nghèo, trong đó huyện Mù Cang Chải được giao 30 hộ thoát nghèo, 30 hộ thoát cận nghèo...
"Chúng tôi biết rằng các chỉ tiêu này rất khó khăn đối với huyện Mù Cang Chải, song cũng rất mong chị em cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đồng sức, đồng lòng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao” - bà Hoàng Phương Thúy chia sẻ tại Hội nghị. Cùng đó, nhiều vấn đề, nội dung thiết thực khác cũng đã được thông tin, giải đáp cho người dân tại buổi đối thoại, như: sự quan tâm, khuyến khích động viên của huyện đối với đội ngũ già làng, trưởng bản; giải pháp để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện nhất là đối với dân tộc Mông…
Ông Lờ A Seng - người có uy tín ở bản Dào Cu Nha, xã Chế Cu Nha bày tỏ: "Các cán bộ cơ quan chức năng đều trả lời, giải đáp, thông tin rất sát thực, hữu ích, giúp người dân chúng tôi nắm bắt được nhiều vấn đề ý nghĩa qua buổi đối thoại”.
Qua Hội nghị đối thoại, các cơ quan chuyên môn của huyện Mù Cang Chải cũng như Hội LHPN tỉnh có cơ hội nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay tại cơ sở, đồng thời giúp cho các đại biểu hiểu biết thêm những chủ trương, chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.
Thu Hạnh