Sáng nay (29/5) Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% trong năm nay, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết.
Ông Khánh viện dẫn, theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 68 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 12% so với cùng kỳ 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, đến đầu tháng 4 ở mức 1,6%, cho thấy khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục là một thách thức.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp suy giảm; còn thị trường bất động sản khó khăn. Đầu tư công góp phần cho tăng trưởng kinh tế nhưng "không thể kéo dài mãi”.
Thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra, ông Khánh cũng đề nghị khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động đến sản xuất kinh doanh.
"Tôi đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này để xem xét, quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế”, ông Khánh bày tỏ.
Ông Khánh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm việc điều chỉnh tăng tiền lương cho các cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi, các chế độ chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính; đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ 1/7.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho hay, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát...
Theo ông Thắng, tình hình kinh tế xã hội còn một số hạn chế, tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra, ông Thắng đề nghị tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.
Đồng thời, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Thắng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn...
(Theo TPO)