Xác định vị trí quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 33, trong 10 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho tỉnh Yên Bái ban hành các chương trình hành động và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Sở đã ban hành trên 8.000 văn bản trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có những văn bản quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tham mưu triển khai 11 chương trình, đề án có liên quan về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch với các trọng tâm thực hiện.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh. Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 137 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 124 di tích cấp tỉnh. Hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo đúng tiến độ, thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
Một số di tích quốc gia đã được đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí lớn như: Di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động và cải tạo sân vận động thành phố Yên Bái; Di tích lịch sử quốc gia Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái; Di tích lịch sử quốc gia Bến Âu Lâu... Hiện nay, Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - khảo cổ học quốc gia Hắc Y - Đại Cại đang được triển khai trong giai đoạn 2024-2025 với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng.
Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị, đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ.
Tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự ở thành phố Yên Bái được tu bổ, tôn tạo khang trang, sạch đẹp
Đồng chí Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch ghé thăm để tự hào và tưởng nhớ về những chiến sĩ kiên trung, anh hùng, bất khuất, cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó của những dân tộc cùng chung tay vì tự do và độc lập. Trải qua thời gian, hiện một số các hạng mục công trình đã xuống cấp. Song được sự quan tâm của tỉnh, Khu di tích đã được tu bổ, tôn tạo nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) để xứng với tầm vóc và giá trị của Di tích.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong phát huy các giá trị di tích trên địa bàn. Thành phố Yên Bái tổ chức các tour du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước Bến Âu Lâu, tour du lịch tâm linh điểm đến là các di tích trên địa bàn thành phố thu hút 250.000 lượt khách tham quan. Thị xã Nghĩa Lộ đã kết hợp tô chức giờ học Lịch sử, các hoạt động ngoại khóa tại Di tích lịch sử quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ thu hút trên 250.000 lượt khách tham quan. Huyện Trấn Yên sáng tạo, hiệu quả trong việc tổ chức
Cuộc thi "Em hát về địa chỉ đỏ” và ra mắt
tour du lịch "Theo dấu chân anh hùng” thu hút trên 5.000 lượt khách tham dự...
Bên cạnh đó, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 510 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó
Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Yên Bái cũng là địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những điển hình tiên tiến về bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số. Các giá trị văn hóa của các dân tộc như: trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống được chú trọng khôi phục và phát huy. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được gắn với việc phát triển đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, sự kiện giới thiệu, tôn vinh di sản gắn với phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 147 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Thông qua hoạt động này, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được kế thừa, lưu giữ. Thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, đến nay 231 đội văn nghệ được hỗ trợ thành lập mới, duy trì; 05 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 21 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; 2 làng nghề được hỗ trợ duy trì phát triển du lịch đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản trên địa bàn tỉnh.
Là Nghệ nhân dân gian, bà Điêu Thị Xiêng, ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ hiện vẫn đang miệt mài để truyền dạy các làn điệu dân ca, những điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ, góp phần vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc Thái Mường Lò- Nghĩa Lộ, đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại xòe Thái.
Bà Xiêng chia sẻ: "Trong 10 năm trở lại đây, tôi đã truyền dạy các làn điệu khắp "Hăn nê”, "Nả lảu” cho hàng trăm cháu nhỏ, chị em phụ nữ trong xã và các xã lân cận và truyền dạy 6 điệu xoè cổ cho các cháu học sinh tại các trường học... Với trách nhiệm của bản thân và dưới góc nhìn của nghệ nhân dân gian, để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca và điệu xoè truyền thống của dân tộc Thái, tôi và các nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích những làn điệu dân ca và điệu xòe Thái Nghĩa Lộ, sẽ tiếp tục cống hiến công sức, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật xòe Thái, để di sản văn hóa phi vật thể này mãi mãi trường tồn, góp phần xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch trong tương lai”.
Để biến "di sản thành tài sản" phục vụ đắc lực quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những hướng đi được ưu tiên thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong vào ngoài nước đến với Yên Bái. Lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng trưởng qua từng năm. So với năm 2014, năm 2024, số khách quốc tế đến Yên Bái tăng 280.196 triệu lượt, khách du lịch nội địa tăng 984.804 triệu lượt; doanh thu từ du lịch tăng 1.321 tỷ đồng.
Với sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương và cộng đồng các dân tộc, sự cố gắng nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 65,62%, tăng 3,05% so với năm 2022.
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành tiếp tục đổi mới công tác quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng để nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương. Tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; huy động các nguồn lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực cho công bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức đặt ra đối với công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh song với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch đã có có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đức Toàn