Những ngày tháng 6, tháng 7, trong khuôn viên của Trung đoàn 121, huyện Yên Bình, ngoài các buổi tập của chiến sĩ nhập ngũ, nơi đây còn có những "chiến sĩ nhí” tham gia học tập, huấn luyện. Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc suốt nhiều năm qua đối với cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn 121.
Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Sự hấp dẫn, lôi cuốn của chương trình thể hiện qua tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho các em tham gia hàng năm ngày càng tăng lên. Đến nay, Tỉnh đoàn Yên Bái, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức ít nhất 2 đợt mỗi năm với thời gian diễn ra ngắn, dài, chương trình khác nhau để phù hợp độ tuổi của các em”.
Là lần thứ hai được bố mẹ đăng ký tham gia Chương trình "Học kỳ trong quân đội”, em Nguyễn Gia Huy, 11 tuổi, ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình năm nay "nhập ngũ” tại Tiểu đội 4. Gia Huy hào hứng: "Được bố mẹ động viên, em đăng ký tham gia để trải nghiệm môi trường quân ngũ. Năm nay, em đã không còn bỡ ngỡ hay rụt rè khi tham gia như năm đầu. Em thấy mình đã lớn hơn, biết yêu thương gia đình, người thân, bạn bè và những người xung quanh. Nhất là biết ơn bố mẹ đã cho em được đến với chương trình, có cơ hội gặp gỡ các cô, các chú, các bạn mới. Năm nay, em càng vui hơn khi có các anh chị họ ở Hà Nội cùng tham gia”. Gia Huy là một trong hơn 230 "chiến sĩ nhí” tham gia Chương trình "Học kỳ trong quân đội” năm 2024.
Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của "Học kỳ trong quân đội” là Ban Tổ chức luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khung như: giáo viên huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ năng, đội ngũ điều phối viên, tình nguyện viên... Tất cả kế hoạch, nội dung của chương trình được triển khai thực hiện cụ thể, chi tiết. Tuy chương trình diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mỗi khóa học đều có sự phân chia biên chế và đội ngũ cán bộ quản lý như: đại đội trưởng, trung đội trưởng. Mỗi tiểu đội có từ 9 - 15 chiến sĩ, có các bộ phận phục vụ chuyên môn, câu lạc bộ huấn luyện kỹ năng.
"Đa dạng hóa nội dung huấn luyện, chương trình rèn luyện hàng năm được đổi mới, tạo môi trường chơi mà học, học mà chơi là điểm nhấn trong những khóa huấn luyện "Học kỳ trong quân đội” cũng là yếu tố góp phần làm cho "Học kỳ trong quân đội” trở thành một xu thế trong thời điểm hiện tại và tương lai” - Trung úy Nguyễn Ngọc Bình, Phó Đại đội trưởng, phụ trách Tiểu đội 1 tại Chương trình chia sẻ.
Ngoài thời gian huấn luyện, các em học sinh còn được tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể chất, học kỹ năng sống, các hoạt động xã hội và tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, tinh thần yêu nước; học tập, rèn luyện, tham gia các chuyên đề về quân sự: học võ thuật, kỹ năng người chiến sĩ, sơ cấp cứu, các tư thế vận động trên chiến trường, vượt qua vật cản ngoài thao trường, thực hành mắc võng, tăng võng…
Các "chiến sĩ nhí” được trải qua các chuyên đề cảm xúc như: "Gỡ rối tình bạn”, "Ước mơ người chiến sĩ”, "Hội thao SIA” Lễ hội hóa trang”, "Lễ hội té nước”, "Hội trại chiến sĩ”… Nếu như chuyên đề "Lòng biết ơn”, "Con xin lỗi ba mẹ” khơi dậy cảm xúc thì các hoạt động như: rèn phản xạ nhanh; phòng, chống xâm hại trẻ em; tự bảo vệ bản thân; tự tin, mạnh dạn trước đám đông, phòng cháy chữa cháy… lại giúp các em có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
10 ngày khoác lên người bộ quân phục màu xanh áo lính, cùng ăn, ngủ, sinh hoạt, cùng ra thao trường, được lăn lê, bò trườn, được hành quân dã chiến... là những kỷ niệm mà mỗi "chiến sĩ nhí” khi tham gia "Học kỳ trong quân đội” không thể quên. Đi qua chặng đường 11 năm cũng là quãng thời gian đẹp của gần 2.000 "chiến sĩ nhí”.
Còn với các bậc phụ huynh, khi mỗi khóa huấn luyện kết thúc, họ nhìn thấy ở con mình lớn thêm với tinh thần tự hào dân tộc cao hơn, sống có trách nhiệm, tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Đây thực sự là môi trường hữu ích, góp phần tích cực cùng xã hội chăm sóc, giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội hiệu quả cho thanh thiếu nhi.
Mai Linh