Dịp cuối năm, các khu dân cư đều thực hiện việc vệ sinh đường đi, lối lại, phát dọn cây xanh, treo cờ, biểu ngữ, đặc biệt là lắp đặt đèn màu chiếu sáng. Nhiều ông bà bỏ cả việc nhà, sẵn lòng "vác tù và hàng tổng” đến tận các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để vận động quyên góp tiền bạc, rồi gia công khung hoa, giá đỡ với những biểu trưng ý nghĩa như ngôi sao năm cánh bay lên (Việt Nam cất cánh), chim hạc (biểu tượng văn hóa Việt Nam)… để trang trí đèn màu. Các gốc cây, cột điện, mái hiên… đều được tận dụng để treo, mắc đèn màu, cờ đuôi nheo...
Thành phố Yên Bái còn tổ chức cả việc chấm thi, trao giải việc trang trí đường phố. Các địa phương khác, dù không chấm thi nhưng ít nhiều cũng cạnh tranh, ganh đua sao cho tuyến phố mình, đẹp hơn, hoành tráng hơn phố bên, làng bạn. Nhân đây, cũng phải cảm ơn người đã phát minh ra công nghệ đèn Led và các dây truyền sản xuất hàng loạt, nhờ đó khiến cho loại vật liệu này có vô số kiểu dáng, chủng loại, màu sắc với giá cả rất hợp lý… Phong trào mạnh, cộng với khoa học công nghệ giúp sức đã khiến phố, phường, hàng quán, thôn làng lung linh, rực rỡ đèn màu, càng quý hơn khi nguồn đầu tư chủ yếu từ hoạt động xã hội hóa.
Đúng là việc trang hoàng phố, phường như đã nói ở trên khiến quê mình đẹp lên, nhất là về đêm. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý, hướng dẫn; do làm theo phong trào nên đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh. Đơn cử như nhiều khu dân cư đã treo các dây cờ, dây hoa lên đường dây tải điện mà không quan tâm đến các biện pháp an toàn, hay xin ý kiến ngành điện.
Anh Nguyễn Văn N., công nhân vận hành điện cho biết: "Người dân tự ý trèo lên cột điện để treo các dây hoa, dây cờ như vậy là rất thiếu an toàn, chưa kể các dây cờ, dây hoa treo lên đó rất dễ bị gió bão, xe tải lớn đi qua khiến dây dứt, vướng vào hệ thống điện gây chập cháy. Anh em chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không mấy hiệu quả”.
Việc trang trí có sử dụng nguồn điện 220V, trong khi việc lắp đặt lại tạm bợ, thiếu chuyên nghiệp cũng là một vấn đề lớn. Đặc biệt, khi các trụ đèn, dây đèn được treo, buộc ở gốc cây, vườn hoa, dựng ngay trên hành lang đường, nơi có nhiều người, nhất là người già, trẻ em qua lại.
Có những tuyến phố như Nguyễn Khắc Nhu, thuộc phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái không những trang trí trụ đèn trên hành lang mà còn "sáng kiến" đưa hẳn 1 dải dây Led sáng trắng dưới vỉa hè. Rất may tết năm đó không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra trên tuyến đường này.
Một số khu vực sử dụng rất nhiều đèn, ánh sáng đèn rất mạnh khiến người đi đường rất chói mắt, mất an toàn giao thông như ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái và nhiều khu vực trên quốc lộ 70 thuộc huyện Yên Bình. "Chói mắt lắm, phải giảm ga, đạp phanh và đi từ từ qua những chỗ lắp quá nhiều đèn có độ sáng mạnh. Tôi còn trẻ, mắt còn tinh mà còn thấy vậy, không biết người già và người có bệnh về mắt sẽ khó khăn và nguy hiểm thế nào. Nhân đây, tôi đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các khu dân cư không treo quá nhiều đèn, không lắp đặt trụ đèn quá dày, không sử dụng loại bóng có độ sáng quá lớn” - Anh Hà Văn Quyết - một lái xe ô tô bộc bạch.
Một số vấn đề khác mà Báo Yên Bái đã từng phản ánh như: dây đèn Led quấn quanh cây xanh lâu ngày mà không được nới ra khiến thân cây bị thắt chặt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh; hoặc khiên đứt dây, điện hở gây nguy hiểm. Nhiều hộ dân và cơ quan, đơn vị thực hiện trang trí nhân dịp tết Nguyên đán (thực tế là tết đã hết từ lâu) nhưng đèn lồng, biểu ngữ… vẫn cứ bỏ đó mặc cho mưa mắng, bụi bẩn, méo mó, nhếch nhác gây mất mỹ quan phường, phố.
Không thể phủ nhận, việc trang trí phố phường là rất tốt, phong trào này phải được quan tâm, phải được nhân rộng, nhưng đi kèm với động viên, khuyến khích cần thiết phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, đầy đủ, không để tình trạng "ô nhiễm" ánh sáng tiếp diễn. Văn minh, đẹp, đáng sống nhất thiết phải đi kèm với an toàn.
Lê Phiên