Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: nhiều vị trí, đặc biệt là đoạn giữa, mặt đường rất hẹp (3 m), cầu bắc qua ngòi Yên quá nhỏ, hẹp, quá trình thi công không mở cua; địa phương không triển khai công tác vận động hiến đất, mở đường… nên nhiều hộ xây dựng hàng rào ra sát mép mặt đường bê tông. Thành phố đã quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng cho các hộ dân phải đảm bảo quy hoạch, cụ thể là tối thiểu phải ngoài 3 m tính từ mép đường bê tông, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trên tuyến đường này vẫn có một ngôi nhà mới được xây dựng, tường nhà và hàng rào nằm sát gần mặt đường.
Ý thức của người dân cũng là một câu chuyện đáng nói. Đường đã hẹp, lưu lượng tham gia giao thông vào giờ cao điểm tăng mà nhiều người còn đỗ xe lấn chiếm đường đi.
Trên tuyến đường này có một số nhà phân phối hàng công nghệ phẩm, nhiều kho bãi nên hàng ngày có nhiều xe tải tới vận chuyển hàng hóa, trong đó có nhiều xe tải lớn, thiết kế 3, 4 cầu trục, loại xe đã bị cấm lưu thông vào thành phố nhưng không biết bằng cách nào các tài xế vẫn điều khiển ra vào bình thường. Hạ tầng và ý thức trách nhiệm của người dân là vậy, trong khi đây là tuyến đường có rất nhiều người đi lại, dọc tuyến có hàng trăm hộ dân sinh sống. Tuyến đường này còn đấu nối với nhiều con ngõ khác thuộc hai phường Nguyễn Thái Học và Hồng Hà...
Có lẽ tuyến đường nói trên là công trình giao thông cuối cùng chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên địa bàn phường Hồng Hà. Nhiều lãnh đạo cấp thành phố và cấp phường cho biết, theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được đầu tư nâng cấp trong giai đoạn 2021 - 2025. Thực tế đã có một số đoàn công tác xuống kiểm tra thực địa, tuy nhiên, đến nay, việc đầu tư cải tạo vẫn "án binh bất động”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - một người dân sống trên tuyến đường này cho biết: "Do không được đầu tư bài bản nên người dân sống trên tuyến đường này rất khổ. Ngoài giao thông là vấn đề cấp nước, hết nhà nọ đến nhà kia đào đường, phá rào để lắp đặt đường ống. Nước sạch là một chuyện, nước thải cũng rất khó khăn do không có cống rãnh hoặc cống rãnh quá nhỏ, dân tự làm nên nước thải tù đọng, chảy lênh láng ra đường, rất mất vệ sinh”.
Bà Nguyễn Thị H., một người dân cho biết: "Gia đình tôi và nhiều hộ khác tha thiết đề nghị thành phố đầu tư cải tạo tuyến đường này. Gia đình sẵn sàng dịch rào, hiến đất, không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ trong quá trình giải phóng mặt bằng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nếu đầu tư cải tạo tuyến đường này thì sẽ phát sinh một số vấn đề như: một số hộ gia đình có công trình nhà ở nằm sát mép đường (phần lớn những ngôi nhà này đã cũ, xây từ rất lâu) nếu mở rộng đường sẽ phát sinh một khoản kinh phí cho việc hỗ trợ người dân xây dựng nhà mới; một số ít hộ khác nhà đất có chiều sâu rất hạn chế, nếu mở rộng đường sẽ không đủ diện tích đất làm nhà. Hỗ trợ dân kinh phí để làm nhà, không bồi thường hàng rào, mái vảy, đặc biệt là cương quyết không bồi thường cho những gia đình cố tình xây dựng các công trình trong phạm vi quy hoạch là việc phải làm.
Thành phố Yên Bái và UBND tỉnh cũng cần xem xét cấp đất (không thu tiền giao đất) cho những hộ thuộc diện Nhà nước thu hồi đất phía trước nhưng vẫn còn đất phía sau nhà; trường hợp không còn đất phía sau do đất quá nông, diện tích đất còn lại quá hẹp thì bố trí tái định cư dọc tuyến ngòi Yên sau cải tạo… Cùng với đó, thành phố Yên Bái và UBND tỉnh cần vận dụng chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với những hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trong quá trình giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư…
Người dân mong mỏi tuyến đường này rộng, đẹp, có hành lang, có đèn chiếu sáng, có công trình cấp thoát nước, có tên… sớm trở thành hiện thực. Những gì đang diễn ra trên tuyến đường nối 2 ngõ 170, đường Nguyễn Thái Học và ngõ 235, đường Hòa Bình rất cần được lãnh đạo thành phố Yên Bái quan tâm, xem xét để người dân bớt khó khăn, để giao thông được thuận tiện, để thành phố thực sự văn minh, hạnh phúc.
Lê Xuân Trường