Theo y khoa thì tự hại hay còn gọi là tự gây tổn thương, tự ngược đãi bản thân là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng, xuất hiện thông qua các hành vi tự gây tổn thương về thể chất và tinh thần. Hội chứng này có biểu hiện bao gồm các hành vi sử dụng dao, đốt, cào cấu, giật tóc, tự đánh hoặc tát bản thân nhưng thường không hướng đến tự sát.
Những hành động này thường là phản ứng tiêu cực để đối phó với sự thất vọng, tức giận và nỗi đau tinh thần không thể giải tỏa, cảm thấy bất hạnh, cô đơn hoặc không kiểm soát được cảm xúc...
Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ mắc hội chứng ở trẻ em là 2%, ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5 - 8% và với nhiều nghiên cứu cho rằng hành vi tự hại thường bắt đầu xuất hiện nhiều nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên, 85% trẻ lần đầu tiên thực hiện các hành vi tự hại khi học THCS; 61% sinh viên đã từng bắt đầu hành vi này trước 16 tuổi. Ở Việt Nam, số liệu thống kê năm 2009 và 2013 cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên và thanh niên có các hành vi tự hại lần lượt là 2,7% và 7,5%...
Đối với Yên Bái, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ vì nhiều trường hợp không đến cơ sở y tế khám, trung bình có 100 - 200 trường hợp/năm đến khám, trong đó ghi nhận 20 - 30 bệnh nhân/năm ở lứa tuổi vị thành niên từ 10 - 18 tuổi có biểu hiện mất ngủ, tâm lý không ổn định sẽ có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, thậm chí có thể gây tử vong như: tự cắt tóc, đập phá đồ đạc, đập đầu vào tường, cứa tay…
Những trường hợp này thực hiện các hành vi trong thời gian dài nhưng bố mẹ không biết. Bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn khi thăm khám, các chuyên gia tâm lý của Bệnh viện Tâm thần tỉnh chẩn đoán ban đầu bị hội chứng tự hại - đây là hồi chuông cảnh báo đối với gia đình và cộng đồng.
Lý giải về nguyên nhân vì sao hội chứng Selfharm mắc ở trẻ vị thành niên ngày càng phổ biến, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Sơn - Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: "Thay đổi về tâm sinh lý từ thiếu nhi sang giai đoạn trưởng thành hay bố mẹ quan tâm đến con cái không đúng cách, đòi hỏi, áp đặt và kỳ vọng ở con quá cao nhưng không được ghi nhận bởi suy nghĩ con vẫn trong vòng tay bố mẹ, mất kết nối giữa con cái và gia đình, trẻ thiếu kỹ năng sống… Đồng thời, vấn đề nữa phải nói đến môi trường giáo dục rất quan trọng hình thành tính cách của trẻ như: môi trường bạn bè, mạng xã hội, sử dụng các chất kích thích”. Khi mắc hội chứng này, trẻ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần, đơn cử như hành vi cắt tay để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, làm cho trẻ thiếu tự tin, gây nhiễm trùng…, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Về tinh thần, lâu dài trẻ sẽ hình thành tính cách bất ổn trong cảm xúc gây ra hành vi bất thường như: gây gổ bạo lực, hay cáu gắt… không kiểm soát được cảm xúc dễ đưa ra những quyết định nông nổi ảnh hướng đến tính mạng.
Minh chứng cụ thể, bệnh nhân N.G.A đang học lớp 11 vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị nội trú với biểu hiện: thường xuyên ngủ kém thời gian dài, giấc ngủ nông, chập chờn, mất tập trung trong công việc và học tập, trí nhớ suy giảm, ngại tiếp xúc với những chỗ đông người, có ý tưởng và hành vi tự sát… các dấu hiệu ngày càng tăng nặng. Đặc biệt, khi bác sĩ thăm khám, người bệnh tiếp xúc chậm, ít nói, khí sắc trầm, có ảo thanh xui khiến. Bệnh nhân được chẩn đoán là F32 - giai đoạn trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần, bệnh nhân có nghe thấy người khác xui khiến làm những việc hại người khác, đã thực hiện hành vi tự tử nhưng kịp phát hiện - đây thực chất là một biểu hiện của sự bất lực trong quản lý cảm xúc khi không biết kỹ năng nào tốt hơn.
Với những bệnh nhân này, việc điều trị sẽ lâu dài, sau khi được điều trị hóa dược, bệnh nhân được trị liệu tâm lý phối hợp để tăng cường khả năng ứng phó với các triệu chứng bệnh sau khi ra viện do bệnh lý này dễ tái phát nếu gặp các sự kiện hoặc tình huống kích thích.
Phân tích về bệnh nhân N.G.A, bác sĩ Nguyễn Kim Thắng - Trưởng khoa Tâm căn - Tâm lý điều trị, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: "Bệnh nhân có các hành vi tự hại từ cách đây 5 năm, 2 năm gần đây bắt đầu cứa rạch tay nhưng hành vi này gia đình mới chỉ biết cách đây 1 tháng, điều này cho thấy việc thiếu sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh lý nặng hơn. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định, cười nói và chia sẻ nhiều hơn, biết được điểm mạnh điểm yếu, một số kỹ năng quản lý cảm xúc, đặt mục tiêu, kế hoạch khi ra viện”.
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều giải pháp để phòng không mắc hội chứng này, trong đó vấn đề trước nhất là gia đình phải tạo môi trường có sự chia sẻ, bố mẹ biết lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm con cái đúng mực và trở thành người bạn đồng hành cùng con cái. Cùng đó, không áp đặt, kỳ vọng, đòi hỏi bắt con phải theo ý mình, tôn trọng ý kiến của con cái. Đồng thời bố mẹ phải là tấm gương cho con, tạo sự gắn kết gia đình, họ hàng. Một giải pháp nữa đó là quản lý con cái sử dụng các thiết bị công nghệ.
Trước xu hướng gia tăng trẻ vị thành niên mắc hội chứng Selfharm, các nhà chuyên môn đã có những khuyến cáo phòng ngừa hành vi tự hại ở trẻ gồm: xây dựng một môi trường an toàn và tôn trọng, thấu cảm là điều kiện tốt để tăng cường, cải thiện các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ xây dựng hình ảnh bản thân tích cực; dạy kỹ năng quản lý cảm xúc có thể giúp trẻ thay thế các hành vi không thích nghi và tin tưởng vào bản thân.
Song song với đó, việc giáo dục nhận biết và giải quyết cảm xúc cho trẻ từ khi còn nhỏ, cùng với việc tăng cường các dịch vụ tâm lý và xã hội trong cộng đồng là cần thiết; hỗ trợ tâm lý đầy đủ từ gia đình và sự quan tâm từ nhà trường có thể giúp giảm bớt căng thẳng và cảm giác cô đơn cho các em. Đặc biệt, việc phát hiện sớm dấu hiệu và đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị kịp thời là yếu tố rất quan trọng quyết định đến khả năng bình phục của trẻ. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ tự hại, nuôi dưỡng tâm hồn tốt đẹp nhất.
Trần Minh