Ngập lũ đến mức cô lập là điều chưa từng xảy ra với địa bàn huyện Trấn Yên, nhất là khu trung tâm thị trấn huyện. Vậy mà lần này, điều đó đã xảy ra. Mưa lũ đã làm 10 xã của huyện bị ngập nặng, có nơi ngập sâu đến 3m nên bị cô lập hoàn toàn là: Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Minh Quán, Nga Quán, Minh Quân, Y Can, Quy Mông, thị trấn Cổ Phúc với hơn 3.800 nhà ngập sâu trong nước.
Một số tuyến đê của huyện bị vỡ gồm: Cát Vân, đê ông Lộc, đê ông Thành ở thị trấn Cổ Phúc; đê Liên Hiệp, xã Minh Quân; đê Hồng Thái, xã Nga Quán; đê Phú Thọ, xã Việt Thành. 2 đê bị tràn là đê Cầu Đất ở thị trấn Cổ Phúc và đê Lan Đình ở xã Việt Thành. Huyện Trấn Yên đã tiến hành di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức cứu trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân vùng lũ, từng bước khắc phục hậu quả thiên tai.
Sau 4 ngày ngập nặng, nước đã rút, người dân trở về nhà thu dọn bùn đất dần ổn định cuộc sống, nhưng trong nhà họ giờ đây là đống đồ đạc hỏng hóc cùng mùi hôi thối của xác động vật.
Gia đình anh Hà Sơn ở tổ dân phố số 8, thị trấn Cổ Phúc trước đợt lũ vừa qua có thuê cửa hàng làm dịch vụ sửa chữa điện tử điện lạnh. Những đợt mưa lớn không ngớt trong nhiều ngày, nước lũ dâng nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Anh Hà Sơn chia sẻ trong nước mắt: "Nước rút, về đến nhà chỉ còn là một đống ngổn ngang. Cả nhà tôi đang tập trung lại để dọn dẹp, rửa nước và xử lý hàng hóa cho cả khách hàng nữa. Thật sự thiệt hại là rất lớn nhưng chúng tôi cố gắng dọn dẹp xong sớm để còn đi hỗ trợ nhà người khác nữa để mọi người nhanh chóng ổn định”.
Con đường tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên ngổn ngang bùn, rác.
Với quán cơm bình dân của gia đình anh chị Chu Thị Hòa ở cùng tổ dân phố số 8, thị trấn Cổ Phúc cũng không khả quan hơn là mấy. Nước lũ làm vỡ cửa cuốn, trôi nhiều vật dụng của gia đình và hàng quán. 2 đứa con của anh chị phải đi sơ tán trên khu sơ tán tập trung của thị trấn. Sau 4 ngày tránh lũ trở về chỉ còn thấy đống đồ đạc ngổn ngang, bùn đất ngập hết cả nhà.
Chị Chu Thị Hòa cho biết: "Nước to quá, 2 vợ chồng ngồi ròng 3 ngày trên nóc, các phương tiện khó tiếp cận nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi vật dụng trong nhà do vỡ cửa cuốn nên đã bị lũ cuốn trôi, mất hết rồi giờ phải làm lại từ đầu”.
Đang tất bật lau dọn nhà cửa, chị Đỗ Thu Huyền, tổ dân phố số 1, thị Trấn Cổ Phúc cho biết: "May mắn gia đình đã di chuyển được tủ lạnh, ti vi và xe cộ đến nơi an toàn. Nước ngập toàn bùn đất và hỏng một vài vật dụng nhỏ, gia đình cố gắng thu dọn xong hết trong ngày 13/9 đề trở về cuộc sống thường nhật”.
Nước lũ đã rút phần nhiều trong đêm ngày 10/9. Hết ngày 11/9, các lực lượng đã tiếp cận được đa phần người dân ở thị trấn Cổ Phúc để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết. Với phương châm "nước rút đến đâu, môi trường sạch đến đó” , các hộ gia đình không chỉ tự dọn dẹp vệ sinh nhà mình mà còn đoàn kết giúp đỡ các hộ dân khác bị thiệt hại nặng nề hơn.
Trong bão lũ, người dân huyện Trấn Yên lại càng thể hiện rõ tinh thần thương thân tương ái, gắn kết đồng bào. Bà Đào Thị Sửu, thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Hiện tại trong các ngõ ngách nước rút hết, song bùn lầy còn đọng lại rất nhiều. Người dân chúng tôi, những nhà đã dọn xong nhà mình thì tập trung nhau dọn giúp các nhà khác. Mệt lắm nhưng vì đồng bào nên tất cả cùng gắng sức”.
Đến sáng nay, nước lũ trên địa bàn huyện Trấn Yên đã rút, chỉ còn một số điểm úng, bùn đất sau lũ rất nhiều khiến công tác dọn dẹp vệ sinh vô cùng khó khăn. Với tinh thần khẩn trương, tất cả vì người dân, các lực lượng hỗ trợ của huyện Trấn Yên vẫn đang cố gắng hết sức cùng người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ, ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
Minh Huyền