Đều đặn hằng ngày, nhân dân trên địa bàn huyện Yên Bình từ thị trấn tới các xã hay thôn ở vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn vào các khung giờ sáng sớm và cuối giờ chiều đều có thể dễ dàng nghe tiếng phát thanh từ hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Anh Trần Cao Cường - cán bộ Đài Truyền thanh thị trấn Yên Bình tâm sự: Ngày nay, việc người dân tiếp cận thông tin trên các phương tiện hiện đại như ti vi, điện thoại đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng có nhiều thời gian để ngồi xem điện thoại, ti vi. Thông tin qua loa truyền thanh thì khác, người dân dù đang làm gì, ở bất cứ tổ dân phố, thôn nào cũng có thể nghe được mọi thông tin cần thiết, đúng, nhanh, rộng rãi và có thể học theo hoặc phản hồi về vấn đề mình quan tâm.
"Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin đến người dân, giúp người dân hiểu, tin tưởng, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào của địa phương phát động… tôi luôn nỗ lực học hỏi, thường xuyên tìm đọc, khai thác thông tin hữu ích, tải các ứng dụng phần mềm phát thanh kết nối với điện thoại thông minh để công việc tiếp sóng, phát thanh được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả”.
Hiện nay, 24/24 xã thị trấn trên địa bàn huyện Yên Bình có Đài Truyền thanh; trong đó, có 9 đài ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông, 6 đài tích hợp FM và ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Hằng tháng, cùng với việc tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình, các đài truyền thanh cơ sở còn làm công tác biên tập thông tin tuyên truyền các thông tin, chính sách của tỉnh, huyện…
Nội dung tuyên truyền luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và định hướng của các cơ quan quản lý cấp trên, trọng tâm là tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi số, tuyên truyền về các sự kiện, lễ hội lớn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Cùng đó là tuyên truyền các lễ hội của huyện như: Hội đua thuyền "Âm vang hồ Thác”, Lễ hội bưởi Đại Minh và Khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà; tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; mô hình, gương điển hình tiên tiến, xây dựng huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”...
Thường xuyên theo dõi tin tức qua Đài Truyền thanh của xã, chị Trần Thùy Linh ở thôn Linh Môn 1, xã Yên Bình chia sẻ: "Nhờ có loa truyền thanh mà tôi cũng như mọi người dân trong xã có thể nắm bắt được nhiều thông tin cần thiết như khung lịch gieo cấy, trồng trọt, các kỹ thuật chăn nuôi mới, các thông tin liên quan đến phòng chống dịch bệnh, các chủ trương mới, cuộc họp thôn, xã hay thời gian đưa cháu đi khai giảng, tiêm chủng, uống Vitamin A…”.
Có thể thấy, ngày nay, giữa tốc độ phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình thông tin trên các phương tiện truyền thông thì hệ thống loa truyền thanh cơ sở huyện Yên Bình vẫn ngày ngày phát huy tốt vai trò là hệ thống truyền thông tiếp cận gần gũi, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của người dân, là công cụ, phương tiện phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương trong tình hình mới.
Bà Kiều Thị Mười - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Yên Bình cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thanh cơ sở, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho các đài truyền thanh cơ sở; chú trọng sản xuất các tin, bài, phóng sự có chất lượng chuyển về các đài cơ sở để tuyên truyền rộng rãi.
Trung tâm sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với huyện dành nguồn kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở; phối hợp với các ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền cơ sở kiểm tra công tác quản lý thiết bị, sử dụng kinh phí, bố trí nhân lực và định hướng tuyên truyền đối với đài truyền thanh cơ sở để hoạt động thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương.
Lê Thương