Nguyên nhân của tình trạng trên có lẽ ai cũng biết. Đó là ngập lụt, hậu quả của hoàn lưu bão số 3. Sông Hồng và các dòng chảy đã mang một lượng lớn phù sa phủ lên mọi bề mặt. Những hạt phù sa nhỏ li ti, gặp nước thì lõng bõng như cháo, nắng lên trở thành bụi mịn. Phù sa không chỉ nằm trên đường, trên phố mà nó còn ở mọi ngóc ngách, chỉ chờ cơ hội là ... di chuyển ra đường hoặc bay vào không khí. Sau phù sa, bụi bẩn còn đến từ những vị trí sạt lở đất, đặc biệt là những nơi đang vận chuyển, đánh đất.
Vì cấp thiết, vì "nới lỏng” công tác kiểm tra, quản lý do tính cấp bách và tất nhiên là cả sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của những người làm dịch vụ đào, hót, vận chuyển. Đất, đá kéo từ vị trí đào, hót... cứ tràn ra đường, đất theo bánh xe ô tô, đặc biệt là trên những thùng, ben đắp ụ, không che chắn hoặc che chắn tạm bợ, cứ rơi vãi theo lộ trình mà xe chở đất đi qua. Đất, cát còn từ các công trình cải tạo hành lang, từ việc nạo vét cống rãnh vương vãi hoặc tập kết ngay trên mặt đường.
Chấp nhận sống chung với bụi bẩn một thời gian bởi thiên tai là điều chẳng ai mong muốn. Chia sẻ với đồng bào mình khi gặp hoạn nạn, giữa tình huống cấp bách, không nhanh thì sập nhà, tài sản tích cóp cả đời, của hồi môn để cho con cháu sẽ thành đống đổ nát; nhiều trường hợp không may còn mất cả mạng. Đối với các công trình thi công, ô nhiễm có lẽ là một phần... tất yếu!
Làm sao có thể tránh được đất, cát, vật liệu xây dựng... không vương vãi ra môi trường; làm gì có chuyện đào đất, xây, trát, nạo vét... mà mọi thứ đều sạch như chùi!
Vấn đề bụi bẩn càng trở nên trầm trọng hơn bởi từ sau trận lũ lịch sử, trời đã sang thu, ít mưa hoặc mưa nhỏ. Không mưa sẽ không có ngập, tình trạng sạt lở đất sẽ không diễn ra; việc đào, hót đất, thi công xây dựng vỉa hè, nạo vét cống rãnh cũng diễn ra thuận lợi... Nhưng trời không có mưa lớn cũng đồng nghĩa với việc bùn, đất, bụi... không được rửa trôi tự nhiên, trên diện rộng và như thế, tình trạng ô nhiễm bụi bẩn càng "dày đặc".
Ông Nguyễn Quang Thắng, cư trú trên đường Trần Hưng Đạo nói: "Không thể chịu được bụi bẩn, ngày nào tôi cũng hì hục quét, rửa nhưng chẳng bõ bèn gì”. Chị Nguyễn Thanh Xuân, nhà ở phường Yên Ninh phân trần: "Đấy, các bác cứ nhìn mà xem, bụi mù mịt khắp nơi, xe ô tô biến thành màu vàng cả lượt. Em vừa rửa xe xong, mất 60 nghìn đồng mà xe lại bẩn luôn”.
Anh Vũ Quốc Hưng, nhà trên đường Nguyễn Thái Học, phường Hồng Hà tâm sự: "Đang thời điểm giao mùa, đây cũng chính là... mùa bệnh hô hấp; giờ ô nhiễm thế này, số người bị viêm họng, viêm mũi, viên phế quản... ngày càng nhiều thêm. Chẳng ai có thể đeo khẩu trang 24/24, có đeo cũng chỉ hạn chế, không thể ngăn chặn 100% bụi bẩn xâm nhập cơ thể”....
Lo lắng cho sức khỏe, cố gắng quét, dọn, rửa đường...., đó là tình trạng chung của đại bộ phận người dân thành phố Yên Bái, nhất là những người có nhà mặt tiền hoặc những người di chuyển nhiều bằng xe máy thường xuyên. Quét dọn, phun nước, đeo khẩu trang như thời Covid-19, mặc đồ trùm kín cơ thể... là hình ảnh gặp bất cứ đâu trên địa bàn thành phố những ngày qua.
Để chấm dứt tình trạng trên, trước hết, cần quản lý chặt chẽ việc đào và vận chuyển đất; cần chấm dứt tình trạng xe chở đất làm rơi vãi ra đường!
Câu chuyện này đã được đề cập rất nhiều tuy nhiên tình trạng vẫn tái diễn. Điều đáng nói là, bên cạnh những vị trí chống sạt lở đất (mang tính cấp bách), dù không phải tất cả, vẫn còn không ít những công trường san tạo mặt bằng thông thường cũng nhân thể "té nước theo mưa". Đáng nói hơn, quá trình thi công, nhà thầu này còn có "sáng kiến”... cậy nắp cống rãnh để nước và bùn đất chảy xuống (việc này diễn ra từ lâu nhưng chưa một cơ quan chức năng nào xử lý).
Đối với quá trình cải tạo hành lang và nạo vét cống rãnh, chủ đầu tư cần thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, có phương án thi công gọn gàng, dứt điểm (làm đoạn nào xong đoạn đó), hạn chế tối đa tình trạng tập kết vật liệu, nhất là chất thải ngay trên mặt đường.
Thực tế cho thấy, tình trạng tập kết vật liệu, tập kết chất thải ngay trên mặt đường diễn ra khá phổ biến, nhiều vị trí không hiểu sao thi công rất chậm, có những ngày không thi công dù điều kiện thời tiết rất thuận lợi... dẫn đến kéo dài thời gian gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông.
Khi việc đào, hót, vận chuyển đất được quản lý chặt chẽ, mọi hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm; việc thi công hành lang, nạo vét cống rãnh đã xong hoặc ít nhất là hạn chế tối đa nguồn ô nhiễm..., thành phố Yên Bái cũng cần tổ chức một ngày tổng vệ sinh đường phố.
Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền cần tổ chức ra quân, bố trí lực lượng; đặc biệt là kêu gọi toàn dân cùng tham gia. Mỗi hộ gia đình, mỗi khu dân cự đều có trách nhiệm quét, dọn, rửa đoạn đường khu vực mình; đặc biệt là các hộ gia đình nhà mặt tiền thực hiện việc vệ sinh ngay trước cửa nhà mình thật sạch sẽ; giao cho các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và huy động lực lượng từ những địa phương khác hỗ trợ vệ sinh các công trình công cộng, những tuyến phố không có nhà dân...
Xin được nhấn mạnh, việc tổng vệ sinh phải diễn ra đồng loạt, cùng thời điểm. Làm vậy không chỉ tạo ra hiệu ứng, tạo ra phong trào mà còn tránh được tình trạng đoạn này vừa làm, đã sạch nhưng không lâu sau đất cát, bụi bẩn từ chỗ khác (chưa quét, dọn, rửa) lại vương tới, sẽ không triệt để hoặc tốn công, vô ích như việc vệ sinh tự phát hiện nay.
Kinh nghiệm là ngay tại huyện Trấn Yên, khi nước rút hết, bùn vét xong, huyện đã chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội vận động đoàn viên, hội viên tham gia quét, dọn, rửa đường. Hàng nghìn người dân, hội viên Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, hội nông dân, cán bộ, công chức... không chỉ ở các xã Đào Thịnh, Việt Thành, Cổ Phúc, Nga Quán mà còn đến từ Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Kiên Thành, Minh Quán... đã nhiệt tình tham gia tổng vệ sinh.
Thành phố Yên Bái cũng cần tổ chức những buổi tổng vệ sinh đường phố như thế để môi trường được sạch sẽ, để thành phố lại xanh -sạch- đẹp như vốn có.
Lê Phiên