Sau 9 tháng làm việc tại Qatar, đến nay anh Hà Văn Hùng ở bản Lằm, xã Sơn Lương không chỉ có việc làm ổn định mà còn dành dụm được tiền gửi về cho gia đình.
"Đầu năm 2024, khi xã, huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn liên quan đến chương trình xuất khẩu lao động, bản thân tôi đã tìm hiểu và đăng ký tham gia. Sau khi học tiếng và thi tay nghề, tôi được tuyển sang lao động tại Qatar làm nghề xây dựng với mức lương 27 triệu đồng/ tháng. Kinh phí ban đầu bỏ ra 115 triệu đồng, sau gần 10 tháng lao động ở đây, trừ các khoản chi phí, hàng tháng tôi dành ra được 20 triệu đồng gửi về nhà để trang trải cuộc sống”, anh Hùng chia sẻ.
Cũng như anh Hùng, anh Vàng A Lồng ở thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô; anh Lường Văn Thuận, bản 10, xã Sơn Lương hay anh Sùng A Sư, thôn Làng Ca (Cát Thịnh) cũng đã thành công khi vượt qua khó khăn để đến các nước Qatar, Nhật Bản làm các công việc như xây dựng, cơ khí... với mức lương từ 27- 35 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đỗ Văn Bách - Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện thông tin: Qua nắm bắt thực tế, hầu hết lao động cho biết, kinh tế gia đình sau khi có người đi làm việc tại nước ngoài đều được cải thiện rất nhiều. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù nên có thu nhập cao hơn từ 2 đến 3 lần so với thu nhập trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Cụ thể, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động còn khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng ở các thị trường Đài Loan, Thái Lan, Lybia; còn tại Hàn Quốc và Nhật Bản thì cao hơn, từ 35-40 triệu đồng/tháng. Công việc tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng…
Có được kết quả trên, những năm qua, huyện Văn Chấn đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thông tin, truyền thông sâu rộng về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, nhiều lao động và gia đình lao động từ hoài nghi, e ngại đã chuyển sang mong muốn và sẵn lòng tham gia lao động xuất khẩu để thay đổi cuộc sống.
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác xuất khẩu lao động ở huyện Văn Chấn vẫn gặp không ít khó khăn như: một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của Nhà nước; nhận thức của một bộ phận người lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số địa phương chưa chủ động huy động tạo nguồn lao động tham gia làm việc ở nước ngoài; số lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên chuyên đề xuất khẩu lao động chưa cao.
Cùng với đó, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn muốn đi xuất khẩu lao động nhưng không có chi phí ban đầu; một số hộ gia đình và người lao động còn tâm lý ngại đi xa làm việc; công tác quản lý nhà nước ở cấp xã còn nhiều hạn chế, còn nhiều lao động đi nước ngoài làm việc theo diện tự phát hoặc đi theo các đơn vị tư vấn chưa được xác minh tư cách tuyển dụng lao động, không được quản lý, thậm chí có một số trường hợp đi bất hợp pháp ...
Để làm tốt công tác xuất khẩu lao động, huyện Văn Chấn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua, huyện đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về nội dung Ngày hội việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động với gần 3.500 người tham gia; trong đó, 1.803 lao động đã tham gia lao động tại các khu công nghiệp ở Mê Linh - Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang với mức thu nhập bình quân 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đưa 1.280 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 1.000 lao động hợp đồng và 280 lao động thời vụ) theo Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024-2030, huyện Văn Chấn tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động hàng năm trong Chương trình hành động của Huyện ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND huyện.
Bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, các chi hội đoàn thể và trên Trang thông tin điện tử huyện.
Địa phương cũng đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, năng lực xuất khẩu lao động tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm nhằm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm trong việc cung ứng nguồn lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; chú trọng xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hướng tới các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cùng với đó, huyện chỉ đạo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các ngồn vốn vay tín dụng, nguồn vốn theo Chương trình mục tiêu quốc gia để vay xuất khẩu lao động và hỗ trợ các thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng nhanh gọn và hiệu quả.
Với những kết quả đã đạt được cùng với các giải pháp cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng Văn Chấn sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án của tỉnh, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Văn Tuấn