Từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội cần lưu ý gì về xác thực tài khoản?

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2024 | 7:46:05 AM

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa Nghị định 147/2024 có hiệu lực. Theo đó bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream).

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Xác thực người dùng mạng xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định số 72/2013 và Nghị định 27/2018. Nghị định 147 chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Đón nhận thông tin về những quy định mới của Nghị định 147/2024, nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ, bởi đây không chỉ là một công cụ giúp người dùng mạng xã hội có thêm trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mà cũng là chế tài giúp truy vết, hạn chế được vấn nạn lừa đảo, phát ngôn bừa bãi, thậm chí là xúc phạm người khác.

Từng suýt trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo trên mạng xã hội, chị Nguyễn Thanh Loan chia sẻ: "Tôi đã từng có lần nhận tin nhắn từ một tài khoản có danh tính với rất nhiều lượt like và theo dõi trên mạng xã hội hỏi về bức ảnh chụp ở đâu mà đẹp vậy? Kèm theo là một bức ảnh ở tôi chụp ở quê. Tôi cũng nhiệt tình giải thích rõ về bối cảnh thời gian chụp. Nói chuyện một lúc lâu, tôi lại nghe giọng điệu hơi hướng của một vụ lừa đảo nên ngừng trao đổi ngay”.

Trong khi đó, anh Hoàng Tường lại từng là nạn nhân của "bắt nạt” trên mạng xã hội khi phải nhận những bình luận với lời lẽ khiếm nhã từ các tài khoản ẩn danh.

"Tôi không hiểu vì sao trong một thời gian dài, thường xuyên có rất nhiều tài khoản không có thông tin vào bình luận trên trang cá nhân của tôi với rất nhiều từ ngữ xúc phạm. Dù rất bực mình, nhưng tôi cũng không biết họ là ai để có thể tranh luận, phản biện một cách thẳng thắn”, anh Tường bức xúc.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ trước đến nay, mạng xã hội được coi là ẩn danh. Nhiều người nghĩ rằng, không ai phát hiện và xử lý được, dẫn đến những hành động như chửi bới, xúc phạm người khác, thậm chí là chống phá chế độ...

Khi nội dung đăng tải gắn với một cá nhân cụ thể, họ sẽ lưu ý về trách nhiệm, ý thức khi cung cấp thông tin. Việc bổ sung quy định xác thực và định danh tài khoản của người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân nhằm tránh việc người dùng vì vô danh nên dễ dẫn đến vô trách nhiệm khi tham gia vào không gian mạng.

"Hoạt động này góp phần hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bộ TT&TT và Bộ Công an sẽ phân công lực lượng để kiểm tra thực hiện việc này”, ông Lê Quang Tự Do nêu rõ.

Không xác thực sẽ không được đăng tin trên mạng xã hội

Nghị định 147 sắp có hiệu lực tới đây quy định bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm.

Đáng chú ý, tại Điểm e khoản 3 Điều 23 của nghị định này, Chính phủ đã chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại.

Những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm.

Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam sẽ phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Nghị định cũng nêu rõ chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Nghị định 147/2024 cũng yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, Facebook, TikTok phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội như quy định nêu trên.

Đối với những tài khoản Facebook, TikTok không thực hiện xác thực tài khoản theo quy định nêu trên sẽ không được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên Facebook, TikTok.

Như vậy, tùy vào điều kiện của mình mà Facebook, TikTok đưa ra yêu cầu xác thực tài khoản của người dùng theo quy định nêu trên trong thời gian phù hợp (có thể thực hiện từ ngày 25/12/2024 hoặc sau thời điểm này) nhưng phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 25/3/2025.

3 hình thức xác thực người dùng mạng xã hội

Thông tin thêm về việc xác thực tài khoản mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết hiện có 3 hình thức xác thực người dùng mạng xã hội là xác thực qua email, số điện thoại di động và số CMND/CCCD.

Trong đó, phổ biến nhất là xác thực bằng email và số điện thoại di động. Các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại (khoảng 30%), bằng email (khoảng 30%), chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại (khoảng 40%).

Việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Không chỉ vậy, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.

Người dùng hiện có xu hướng chuyển từ máy tính (PC) sang di động (mobile), do đó cần thay đổi phương thức xác thực từ email trước đây sang số điện thoại di động cho phù hợp thực tế.

"Các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm xác thực tài khoản của người dùng, nếu họ không làm họ phải chịu trách nhiệm. Tới đây sẽ có các nghị định hướng dẫn chế tài xử lý với những trường hợp không tuân thủ”, bà Huyền khẳng định.

(Theo VOV)

Các tin khác
Cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh tham gia lớp tập huấn tin học nâng cao.

Toàn bộ máy tính nhóm Thiện Hữu - Hà Nội trao tặng cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh Yên Bái được cài đặt phần mềm chuyên dụng - phần mềm đọc màn hình, giúp người khiếm thị có thể sử dụng được các chức năng của máy tính, sử dụng tin học văn phòng.

Người lao động được tư vấn về các thị trường xuất khẩu lao động như: Đài Loan, Nhật Bản... để có thêm cơ hội được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập

Công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của rất nhiều gia đình. Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây được xác định là một trong những giải pháp đột phá của tỉnh về giải quyết việc làm.

Người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái sau khi tốt nghiệp đào tạo cao đẳng nghề và trung cấp nghề

Toàn tỉnh đã có trên 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp nghề được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng vào làm việc. Một số người học đã được tham gia các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Thông qua khảo sát giúp BHXH tỉnh kịp thời nắm bắt những mong muốn của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN

Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã triển khai đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của BHXH tỉnh Yên Bái năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục