Cành đào, mâm ngũ quả, bánh chưng được bày trên ban thờ, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng và cả nhà chờ con cháu đi làm ăn xa trở về đón tết cùng với ông bà, cha mẹ… Chỉ vậy thôi, đối với gia đình bà Lê Thị Hoàn ở tổ 2 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tết đã đủ đầy.
Bà Hoàn chia sẻ: "Đối với mỗi người Việt và gia đình tôi tin rằng "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để năm mới may mắn, bình an, tài lộc, hạnh phúc. Gia đình tôi luôn giữ nếp truyền thống với niềm tin khởi đầu năm mới thuận lợi, cả năm cũng sẽ hanh thông mọi sự”. Hầu hết các gia đình Việt đều chuẩn bị tết theo nếp xưa với những phong tục như: cúng ông Công ông Táo, gói bánh chưng, cúng tất niên, đón giao thừa, hái lộc, xông đất, xuất hành, chúc tết, mừng tuổi, đi lễ cầu may...
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, mọi gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng để tiễn ông Công ông Táo về trời, báo cáo mọi việc của gia chủ trong một năm qua với Ngọc Hoàng. Cá vàng sau khi cúng xong sẽ được phóng sinh ra sông, ra suối. Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng ngày tết không chỉ như một món ăn tinh thần mà còn là sự trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha.
Phong tục cúng tất niên trong ngày 30 tết, các gia đình thường làm những mâm cỗ tươm tất để thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết. Bữa cơm tất niên cũng là để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới. Phong tục đón giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa.
Đón giao thừa diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ nên hoạt động còn mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời. Vào đúng thời khắc giao thừa hoặc vào sáng sớm hôm sau, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn.
Xông đất là phong tục rất quan trọng, nhất là với những người kinh doanh, buôn bán với quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt của mình. Gia chủ thường mời những người có tuổi hợp với mình đến xông đất với niềm tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Vào ngày mùng Một tết, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu và điều không tốt.
Chúc tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa ngày tết. Đầu năm, mọi người trong gia đình cùng nhau đi chúc tết nhà nội, nhà ngoại. Con cháu chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an, sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu sẽ ngày càng đạt được nhiều may mắn, thành công.
Ðặc biệt, phong tục đi lễ đền, chùa những ngày đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Ði lễ đầu năm không chỉ là để cầu một năm mới may mắn, phúc lộc mà còn tỏ tấm lòng thành kính đối với trần Phật, tổ tiên… Những phong tục ngày tết đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Những giá trị truyền thống ngày tết được những gia đình trẻ ngày nay quan tâm và trân trọng.
Gia đình anh Trần Tuấn Vinh ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, năm nay là năm đầu tiên đón tết trong căn nhà mới. Dù hối hả với công việc cuối năm, anh cũng cố gắng chuẩn bị tết cho gia đình nhỏ của mình chu toàn.
Anh Vinh bày tỏ: "Xã hội ngày nay phát triển thế nào thì tết vẫn là ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Tôi tìm hiểu và cùng với vợ, con chuẩn bị đón tết theo đúng phong tục cổ truyền, từ việc lau dọn bàn thờ, cúng ông Công ông Táo đến bày mâm ngũ quả, sửa soạn mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa… để ngày tết thêm ý nghĩa”.
Những phong tục cổ truyền ngày tết không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, khơi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con đất Việt. Giữ gìn những phong tục tết cổ truyền, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm của mỗi người với thế hệ mai sau.
Thu Hiền