Bữa cơm ấm áp tình thân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/1/2025 | 2:08:42 PM

YênBái - Bữa cơm chiều 30 tết hay còn gọi là bữa cơm tất niên được gia đình tôi cũng như mọi nhà mong chờ nhất trong năm. Cả một năm bận rộn, đến chiều cuối năm, ai cũng muốn trở về ngôi nhà thân yêu, nơi có bố mẹ, vợ chồng, cái con, anh chị em để cùng đắm mình vào cảm xúc yêu thương, của tình thân trọn vẹn.

Bữa cơm tất niên là bữa cơm sum vầy, ấm áp.
Bữa cơm tất niên là bữa cơm sum vầy, ấm áp.

Nhà tôi vốn đông anh chị em nên tết nào cũng vậy, cứ từ ngày ông Công ông Táo lên trời là mẹ tôi đã mong ngóng các con về. Tết là các anh, chị, em trong gia đình thường trở về nhà đoàn tụ bên gia đình. 

Cả một năm đi làm ăn, đương đầu với nhiều khó khăn của cuộc sống, tết đến, nơi muốn về nhất là gia đình, nơi có đủ người thân chờ đón. Dù mỗi người một công một việc khác nhau, người công thành danh toại, người còn chưa thành công nhưng tết đến, ai cũng thấy bồn chồn, lòng rộn ràng muốn được về quê, về nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi lưu giữ cả một bầu trời kỷ niệm thuở ấu thơ. 

Nhớ ngày còn thơ, cuộc sống khó khăn, bố mẹ tôi chắt chiu để tết đến cũng đủ đầy cá, thịt cho các con. Chiều 30 tết, mẹ tôi vẫn còn tất bật lo mua sắm, dù thực phẩm đã đủ nhưng phải cố cho mỗi đứa con một chiếc áo mới. Mâm cơm chiều 30 tết không có nhiều món như ngày nay nhưng cũng có bánh chưng, giò xào, thịt đông, nem rán, canh măng... đậm tình yêu thương. Mẹ nhường bố, bố nhường các con những miếng ngon hay những món đồ diện tết, nghĩ lại tôi vẫn thấy cay cay sống mũi… Nay dù các con đã trưởng thành, đầu hai thứ tóc nhưng những ngày gần tết, mẹ thường xuyên gọi điện hỏi ngày nào các con, các cháu về. 

Rồi bà kể rằng: "Mẹ đã chuẩn bị sẵn được đàn gà, vài chục trứng, cân măng, vườn rau tươi tốt... Mọi thứ đã đủ, không cần mua gì nữa, chỉ cần các con, các cháu về sớm”. Tấm lòng người làm cha làm mẹ bao giờ cũng chu đáo, không muốn các con phải lo lắng. Nên dù có bận hay có gặp nhiều khó khăn, trắc trở thì các con cũng phải sắp xếp thật gọn gàng, công việc xong xuôi để còn về quê đón tết. 

Cuộc sống giờ không còn khó khăn như trước, đồ ăn thức uống chất đầy tủ lạnh nhưng cảm giác yêu thương được cùng mẹ, cùng người thân chuẩn bị những món ăn để dâng lên bàn thờ báo cáo tổ tiên về một năm cũ đã làm được gì thật xúc động. Và rồi bữa cơm chiều 30 tết cũng đã đến. Chúng tôi mỗi người phụ trách một món, người thổi xôi, người mổ gà, người nướng chả… Có lẽ tôi thật sự ấn tượng với món nem của chị dâu cả, thơm phức, vỏ ngoài giòn rụm, nhân mềm vừa vặn. 

Khi tôi hỏi bí quyết, chị dâu chia sẻ: "Thực phẩm chuẩn bị đều phải tươi, từ thịt lợn, rau, củ, miến ngâm vừa vặn không nhũn, trứng trộn phải là trứng gà ta nhiều lòng đỏ… Có như vậy, món nem mới chuẩn ngon được”.

Vui hơn cả là chuẩn bị cỗ cúng tất niên trong không khí thật rộn ràng, tiếng nói, tiếng cười không ngớt, người tóc đã điểm bạc vẫn thi nhau kể chuyện. Sau gần 2 tiếng chuẩn bị, mâm cơm dâng cúng tổ tiên đã hoàn tất, cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Sự đoàn tụ bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, nói câu chuyện về những vất vả, khó khăn sau một năm làm việc hay những thành tựu… đều có dịp giải bày. 

Những câu chuyện cứ mãi nối dài với biết bao điều hay, ý đẹp và những khó khăn, bộn bề thường nhật như chợt tan biến, nhường chỗ cho tình cảm nồng nàn cùng sự cổ vũ, động viên, khích lệ để mọi người cùng tiến về phía trước với một niềm tin và khát vọng mới. Đây cũng là dịp để anh chị em trong nhà được bày tỏ những nỗi niềm còn trăn trở và thể hiện tấm lòng hiếu thảo tới đấng sinh thành và có lẽ cũng là khoảng thời gian ấm áp nhất, mọi thành viên cùng đắm mình vào cảm xúc yêu thương, của tình thân trọn vẹn. 

Đám trẻ không hiểu các bố mẹ nói chuyện gì nhưng cũng vui vẻ nói cười và thấy hạnh phúc, tự hào về truyền thống gia đình bao năm vẫn được duy trì, gìn giữ. Những câu chuyện từ thuở ấu thơ, những trò nghịch ngợm của tuổi dại khờ hay những lần bị bố mẹ đánh đòn roi, rồi những chiếc áo, quần mới được mẹ mua để diện tết để mọi người thấy trân quý nhau hơn. Và dù ở thời kỳ nào hay địa phương nào đi chăng nữa nhưng với mỗi người Việt, bữa cơm tất niên diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ luôn là bữa cơm ý nghĩa dịp tết đến xuân về như trong gia đình tôi. 

Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đã cận kề. Tiếng nhạc xuân vang vọng càng làm cho không khí tết thêm nhộn nhịp, vui tươi và mỗi người đều thấy phấn chấn, chuẩn bị tâm thế tốt nhất đón mùa xuân mới Ất Tỵ 2025.

Minh Huyền

Tags Bữa cơm chiều 30 tết đoàn tụ bên gia đình tất niên

Các tin khác
Ngày đầu năm mới, mọi người cùng nhau đi chúc tết đôi bên nội ngoại, anh em họ hàng.

Những phong tục đẹp đầu xuân của người Việt như: cúng ông Công ông Táo, gói bánh chưng, cúng tất niên, đêm giao thừa, chúc tết, mừng tuổi, đi chùa cầu may… dù trải qua thời gian vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị bản sắc.

Gói bánh chưng - truyền thống ngày tết được nhiều gia đình gìn giữ.

Dưới mái nhà, những hương vị tết thân thuộc mà gia đình gìn giữ bao năm vẫn luôn đón đợi ta về! Dưới mái nhà, thoang thoảng mùi khói hương nơi bàn thờ gia tiên trong khoảnh khắc chuyển giao thời gian như một điều gì ấm lòng khó tả mà ta chả thể tìm được ở đâu bên ngoài bậc cửa nhà ta…

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 24/1, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, chúc tết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam trong dây chuyền sản xuất

Năm nào cũng vậy, chuẩn bị đón tết cổ truyền là thời điểm các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động (NLĐ) vui xuân, trong đó chú trọng việc bảo đảm chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng tết. Mặc dù năm 2024 có nhiều khó khăn song các doanh nghiệp vẫn cố gắng chăm lo và hỗ trợ NLĐ có tết đủ đầy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục