Nhâm nhi bên ly trà nóng cùng những người đồng đội, CCB Nguyễn Duy Chính ở tổ dân phố số 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái không giấu nổi xúc động khi kể về những gian khổ, hy sinh, những chiến công mà ông và đồng đội đã trải qua. Sinh năm 1955, năm 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Duy Chính hăng hái lên đường nhập ngũ.
Tháng 2/1974, sau thời gian huấn luyện, đơn vị của CCB Nguyễn Duy Chính nhận được lệnh hành quân vào Buôn Ma Thuột tham ra chiến dịch Tây Nguyên và được biên chế vào Đại đội 15, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10. Trong đợt 1 chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn 66 có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đức Lập và quận lỵ Đức Lập nằm trên trục đường 14 nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ.
Với chiến thắng Đức Lập, Trung đoàn 66 của ông Chính đã góp phần cùng Sư đoàn 10 đập vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ phía Tây Nam, thị xã Buôn Ma Thuột, mở thông hành lang chiến lược vào Đông Nam Bộ. Đến tháng 3/1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột và sau đó, CCB Nguyễn Duy Chính cùng đồng đội của ông trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch này, đơn vị của ông trực tiếp tham gia đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất, đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Với ý chí chiến đấu ngoan cường, ông đã cùng đồng đội góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của đất nước.
50 năm đã trôi qua, giờ đây ký ức về không khí sục sôi, chiến đấu dồn dập khắp các chiến trường miền Nam làm ông không khỏi bồi hồi, xúc động. Đặc biệt, trong trận tiến công cuối cùng vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4, đến khi nghe được thông báo trên đài phát thanh là quân địch đã đầu hàng, chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, ông Chính phấn chấn nhớ lại: "Lúc này, cảm xúc không gì có thể tả được các cháu ạ! Đó là một cảm xúc tự hào, sung sướng đến tột cùng, không bao giờ quên được. Một cảm xúc rằng mình đang đứng trên đất nước mình, một đất nước hoàn toàn tự do, hai miền Nam - Bắc đã thống nhất...”.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1976, ông Chính cùng đồng đội tiếp tục tham gia chiến đấu truy quét Phun Rô, bảo vệ biên giới Tây Nam và đến năm 1979 cơ động ra phía Bắc, tham gia bảo vệ biên giới hướng Cao Bằng - Lạng Sơn. Từ năm 1987, CCB Nguyễn Duy Chính được cử đi học và điều chuyển công tác tại Quân khu 2, Trường Quân sự Ấp Bắc và công tác tại Thị đội Yên Bái, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khi trở về địa phương, CCB Nguyễn Duy Chính luôn tích cực tham gia công tác xã hội và gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương.
Còn đối với CCB Nguyễn Đức Tiến, người đồng đội cùng ở tổ dân phố số 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái thì nhận nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, từng vào sinh, ra tử và cũng may mắn được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất. Hôm nay, đã 50 năm kể từ ngày non sông liền một dải, nhưng những ký ức một thời đạn lửa vẫn hiện lên rõ nét trong tâm trí của CCB Nguyễn Đức Tiến. Tháng 8/1972, khi mới 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Đức Tiến đã tự nguyện đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam khốc liệt.
Dẫu biết rằng, được chọn làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin, liên lạc, giao thông rất nhiều hiểm nguy, nhưng với ông, đây là vinh dự và nhiệm vụ cao cả vô cùng. Sau 3 tháng huấn luyện, chàng thanh niên Nguyễn Đức Tiến được tham gia chiến trường Tây Nguyên, thuộc đơn vị Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Từ năm 1972 đến 1975, ông Tiến tham gia hàng trăm trận chiến đấu ác liệt như: Chiến dịch Xuân hè 1972, Chiến dịch Đắk Tô năm 1972, Chiến dịch Tây Nguyên… Nhưng với ông trận chiến cuối cùng đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là kỷ niệm sâu sắc nhất. CCB Nguyễn Đức Tiến bồi hồi nhớ lại: "Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Bức điện ấy là mệnh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hành quân ngày đêm tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Đầu tháng 4/1975, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) chúng tôi được lệnh từ chiến trường Tây Nguyên di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. 5 mục tiêu quan trọng cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Trong đó, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ tiến công giải phóng 2 mục tiêu quân sự gồm Bộ Tổng tham mưu và Sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời khắc lịch sử đã tới, các đơn vị của Trung đoàn 24 tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm. Trước khi bước vào chiến dịch, chúng tôi khẩn trương nghiên cứu tọa độ, sơ đồ tác chiến, xác định rõ mục tiêu và các hướng hành quân, nhằm hợp vây lớn và chia cắt tập đoàn phòng ngự của địch. Trong đó, đơn vị thông tin của chúng tôi phải làm tốt nhiệm vụ tải dẫn đường dây, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Đến 11 giờ, 30 phút ngày 30/4, các cánh quân của Trung đoàn 24 đã làm chủ được Sân bay Tân Sơn Nhất. Lá cờ "Quyết thắng” truyền thống của quân đội ta được các chiến sĩ kéo lên đỉnh cột cờ cao vút, tung bay phấp phới. Vừa giải phóng được Sân bay Tân Sơn Nhất, nghe trên đài phát thanh, Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả chúng tôi ai nấy đều vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Buổi trưa hôm ấy, đường phố Sài Gòn tấp nập, rợp bóng cờ hoa, dòng người nô nức hò reo trong ca khúc khải hoàn "Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông Tiến cùng đơn vị tham gia chiến đấu tiêu diệt Phun Rô và sang giúp nước bạn CamPuChia giải phóng đất nước. Sau đó, ông Tiến công tác tại Phòng Hậu cần Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 với chức vụ, nhiệm vụ là Thượng tá, Bí thư Đảng ủy - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 10.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khi trở về địa phương, CCB Nguyễn Đức Tiến luôn tích cực tham gia công tác xã hội và gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Đặc biệt, ông được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố liên tục từ năm 2013 đến 2025.
50 năm đã qua, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn như mới ngày nào. Những người lính năm xưa như CCB Nguyễn Duy Chính, CCB Nguyễn Đức Tiến đều đã bước sang cái tuổi "Thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên khi gặp lại đồng đội giữa những ngày tháng Tư lịch sử, những trang ký ức cứ lần lượt hiện về như thước phim quay chậm, không thể nào quên ngày hội thống nhất non sông. Những câu chuyện hào hùng đó thường xuyên được kể lại nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vũ Đồng