Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 58 NCT, trong đó, có 14 người bị tâm thần, 11 người khuyết tật và 23 người thuộc đối tượng tự nguyện. Hầu hết NCT đều không nơi nương tựa đến từ các địa phương trong tỉnh, mất khả năng lao động, không tự nuôi sống bản thân, có những cụ đã gắn bó với Trung tâm thời gian dài và có những cụ chỉ mới đến với tình trạng sức khoẻ khác nhau, có cụ bị liệt không tự sinh hoạt được, bị các bệnh về khuyết tật... song đều được cán bộ Trung tâm tận tình chăm sóc bằng cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của mình.
Khi được tiếp nhận vào Trung tâm, NCT được trang bị đầy đủ đồ dùng cá nhân như: quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm..., được đội ngũ cán bộ chuyên trách nuôi dưỡng, chăm sóc ăn, nghỉ hàng ngày và hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, trợ cấp của Nhà nước với tiền ăn hỗ trợ 1,9 triệu đồng/tháng, thực đơn ăn hàng ngày đảm bảo chế độ dinh dưỡng.
Trung tâm còn mua bảo hiểm y tế cho 100% NCT đối tượng xã hội, khám định kỳ 2 lần/năm, với đội ngũ y, bác sĩ riêng trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phần lớn NCT đều có khu ăn, nghỉ được bố trí một cách khoa học, tiện lợi. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể nhằm động viên các cụ sống vui vẻ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống như: tổ chức gặp mặt, mừng thọ theo quy định, tặng quà các cụ gương mẫu, chấp hành tốt nội quy...
Qua đó, tạo tâm lý thoải mái, an tâm khi các cụ sống, sinh hoạt tại Trung tâm. Những việc làm của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Trung tâm đã phần nào bù đắp, an ủi tuổi già cho từng thành viên đến đây. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, Trung tâm cũng đang chăm sóc, nuôi dưỡng 67 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chia sẻ về công việc hàng ngày, chị Đỗ Thị Oanh - cán bộ Phòng Y tế, Phục hồi chức năng của Trung tâm cho biết: "Tôi làm việc tại Trung tâm 14 năm, trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ NCT đối tượng xã hội và tự nguyện. Hiểu được những thiệt thòi của những người không nơi nương tựa, mỗi chúng tôi đều có sự đồng cảm sẻ chia, chăm sóc, phụng dưỡng các cụ trong ngôi nhà chung của Trung tâm”.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng Trung tâm mới vừa được xây dựng khang trang, bố trí khoa học, bà Lê Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: "Khi các cụ vào đây, chúng tôi luôn làm hết trách nhiệm của mình chăm sóc chu đáo từ lúc tiếp nhận đến lúc các cụ qua đời.
Hơn thế, tỉnh rất quan tâm vấn đề này. Mức tiền ăn được nâng lên hơn 1,9 triệu đồng/người/tháng. Hiện, 100% kinh phí hoạt động của Trung tâm đều do Nhà nước trợ cấp”. Hơn thế, với xu thế phát triển của xã hội như hiện nay, ngày càng có nhiều NCT trong tỉnh muốn đến sống tại đây, không muốn lệ thuộc vào con cái, đây cũng là vấn đề mới phát sinh mà Trung tâm đang quan tâm. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Trung tâm thành lập mô hình thí điểm dưỡng lão tự nguyện với 2 mức: trên 5 triệu đồng/người/tháng và 6,1 triệu đồng/người/tháng.
Trước những kết quả đạt được trong việc chăm sóc những NCT thuộc đối tượng xã hội và tự nguyện thời gian qua, Trung tâm đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc trên diện rộng đến tất cả các đối tượng bằng cách tiếp tục kiện toàn, bổ sung và thực hiện thêm các chức năng, nhiệm vụ mới, xây dựng đề án tiếp nhận, quản lý và nuôi dưỡng những người già cô đơn không nơi nương tựa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trần Minh