Sau khi tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, Bộ Nội vụ đưa ra một số đề xuất mới để đưa vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề kỷ luật, Bộ Nội vụ cho biết, các quốc gia xây dựng quy trình xử lý kỷ luật và áp dụng nhiều hình thức kỷ luật khi công chức vi phạm như: Cảnh cáo, khiển trách, khấu trừ lương, giảm lương, hạ bậc lương, hạ ngạch, đình chỉ, sa thải và trục xuất.
Tại nhiều nước, khi phát hiện hành vi sai phạm hoặc có tố cáo, người đứng đầu cơ quan sẽ thành lập ủy ban điều tra để điều tra hành vi vi phạm của công chức. Với vụ việc có sự tham gia của công chức nhiều cơ quan, Ủy ban Công vụ sẽ thành lập ủy ban điều tra để làm rõ hành vi vi phạm.
Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu cơ chế thành lập ủy ban điều tra vì hiện nay, khi nhận được tố cáo, cấp ủy và thanh tra, bộ phận tổ chức không đủ chuyên môn để điều tra các hành vi sai phạm của công chức.
"Việt Nam nên bổ sung các hình thức kỷ luật như khấu trừ lương; giảm lương, hạ ngạch, đình chỉ khi công chức có rối loạn về tâm thần, thể chất hoặc bị khởi tố liên quan tới vụ việc hình sự", Bộ Nội vụ đề xuất.
Cơ quan soạn thảo nêu dẫn chứng tại Trung Quốc, việc kỷ luật công chức phải căn cứ vào tình tiết rõ ràng, bằng chứng thuyết phục, chính xác, đúng trình tự, thủ tục. Các hình phạt gồm cảnh cáo, khiển trách, khiển trách nghiêm trọng, giáng chức, cách chức, sa thải và trục xuất.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 6 tháng với hình thức cảnh cáo, 12 tháng với khiển trách, 18 tháng với khiển trách nghiêm trọng, 24 tháng với giáng chức, cách chức hoặc bãi nhiệm.
Trung Quốc cũng quy định, công vụ viên bị bãi nhiệm sẽ bị giáng cấp bậc theo quy định có liên quan. Hết thời hạn xử lý kỷ luật, công chức được đề bạt lên bậc lương, chức vụ, cấp bậc cao hơn.
Tại Nhật Bản, công chức vi phạm tùy theo mức độ sẽ phải chịu các hình phạt như khiển trách, giảm lương, đình chỉ công tác và sa thải; đình chỉ công tác khi công chức rối loạn về tâm thần hoặc thể chất, bị khởi tố liên quan tới một vụ việc hình sự; thời gian không quá 1 năm. Người ra quyết định kỷ luật phải thông báo bằng văn bản giải thích lý do.
Công chức vi phạm các điều cấm sẽ bị mất chức vụ, bị giáng chức hoặc sa thải tùy theo mức độ vi phạm: Không đáp ứng yêu cầu công việc, rối loạn tâm thần hoặc thể chất, gặp khó khăn hoặc không đủ năng lực để hoàn thành chức trách, thiếu những phẩm chất năng lực khác cần thiết cho vị trí công việc...
Tại Thái Lan, công chức vi phạm kỷ luật phải chịu hình thức kỷ luật, trừ khi có lý do chính đáng để miễn hình phạt. Có 5 hình thức kỷ luật: Khiển trách bằng văn bản, khấu trừ lương, giảm lương, sa thải, trục xuất.
Tại Mỹ, các hình thức kỷ luật theo mức độ vi phạm được áp dụng là hạ cấp và sa thải.
Tại Australia, công chức vi phạm bộ quy tắc ứng xử sẽ bị áp dụng các hình thức: Khiển trách, khấu trừ lương, giảm lương, phân công lại nhiệm vụ, giảm bậc lương, chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ để chấm dứt hợp đồng: Người lao động vượt quá chỉ tiêu của cơ quan, nhân viên thiếu hoặc mất đi trình độ chuyên môn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; không hiệu quả, hoặc không đạt yêu cầu hiệu suất của nhiệm vụ; không có khả năng thực hiện nhiệm vụ vì thiếu năng lực về thể chất hoặc tinh thần; không hoàn thành tốt khóa đào tạo đầu vào; vi phạm quy tắc ứng xử; không chấp hành điều động công tác.
Tại Pháp, các biện pháp kỷ luật có thể áp dụng đối với công chức được chia thành 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất: Cảnh cáo, khiển trách, tạm thời đình chỉ hoạt động trong thời gian tối đa 3 ngày.
Nhóm thứ hai: Loại khỏi bảng thăng tiến, giảm bậc xuống bậc ngay dưới của công chức, tạm thời đình chỉ công tác từ 4 đến 15 ngày, tự động điều chuyển sang công vụ Nhà nước.
Nhóm thứ ba: Bị giáng xuống ngạch ngay dưới và xuống bậc tương ứng với một chỉ số bằng hoặc thấp hơn so với bậc của công chức, tạm đình chỉ công tác trong thời hạn từ 16 ngày đến 2 năm.
Nhóm thứ tư: Tự động nghỉ hưu, hủy bỏ.
Nước Pháp quy định, loại khỏi bảng thăng tiến là hình phạt bổ sung cho một trong các hình phạt của nhóm thứ hai và thứ ba. Hình thức xử phạt thuộc nhóm thứ nhất (khiển trách và tạm thời đình chỉ) được ghi vào hồ sơ công chức, tự động bị xóa khỏi hồ sơ sau 3 năm nếu không tái phạm.
Còn tại New Zealand, quy trình xử lý kỷ luật công chức bao gồm: Xem xét liệu có lý do chính đáng để bắt đầu quy trình kỷ luật hay không, thông báo vấn đề cho nhân viên, điều tra vấn đề, họp chính thức, điều tra thêm (nếu cần), họp chính thức lần thứ hai (nếu cần thiết), cân nhắc hành động cần thực hiện, quyết định sơ bộ, quyết định cuối cùng.
(Theo VTC News)