Tọa đàm có sự tham gia của diễn giả khách mời là Giáo sư Lâm Nghị Phu, một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), nguyên Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới.
Bí quyết cho sự thịnh vượng
Chia sẻ tại tọa đàm, Giáo sư Lâm Nghị Phu cho hay dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, ông tin rằng cuộc truy cầu sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.
Bản chất của tăng trưởng thu nhập hiện đại là một quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ và ngành nghề, nhằm nâng cao năng suất lao động, cùng với sự cải thiện về hạ tầng mềm và cứng trong nền kinh tế, nhằm giảm chi phí giao dịch. Các quốc gia đang phát triển có lợi thế đi sau trong đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành công nghiệp và cải cách thể chế, nhờ đó có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái thu nhập thấp hoặc trung bình. Ông cho biết, bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình đều là hệ quả của việc không thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu một cách năng động, khiến các nước đang phát triển không thể tăng trưởng nhanh hơn các nước thu nhập cao.
Làm sao để thoát bẫy ấy và hiện thực khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng.
Giáo sư Lâm Nghị Phu cho rằng các quốc gia nên tuân theo lợi thế so sánh của mình để cạnh tranh toàn cầu và nâng cấp công nghiệp. Ông cũng đề xuất một quy trình chuyển đổi kinh tế qua 6 bước để thúc đẩy ngành công nghiệp mới và tăng trưởng bền vững gồm: Xác định ngành có tiềm năng tăng trưởng thông qua so sánh quốc tế; đánh giá khả năng hiện thực hóa ngành, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp nội địa; tìm kiếm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hoặc tổ chức các chương trình ươm tạo doanh nghiệp mới; chính phủ quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô và thực hiện các sáng kiến; sử dụng các khu kinh tế đặc biệt hoặc khu công nghiệp tại các quốc gia có hạ tầng yếu kém và môi trường kinh doanh không thuận lợi; sác chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp tiên phong qua ưu đãi thuế, cấp vốn vay, quyền tiếp cận nguồn ngoại tệ.
Giáo sư Lâm Nghị Phu cho rằng, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng, là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Nếu Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đúng cách trong một thị trường hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành thực tế, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.
Coi khu vực tư nhân là chìa khóa tăng trưởng
Theo Tiến sỹ Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ông cho rằng có thể áp dụng quy trình chuyển đổi kinh tế mà Giáo sư Lâm Nghị Phu đề cập để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và tìm kiếm đầu tư từ nước ngoài.
Tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế khu vực tư nhân… cũng là vấn đề được các chuyên gia quan tâm thảo luận.
Các chuyên gia cho rằng cần phải coi khu vực tư nhân là chìa khóa cho tăng trưởng. Do đó, cần đặt ưu tiên cho các chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian tới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam cần được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Khu vực này không chỉ đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động mà còn có tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nếu được tạo điều kiện phát triển đúng hướng. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho hay trong số 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, có đến 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Theo ông, quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng tới việc đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu và phát triển. Cách thức quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào lợi thế sẵn có từ trước như tài nguyên hay lao động giá rẻ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu hướng tới việc đảm bảo sinh kế, chưa có tham vọng lớn.
Chia sẻ về nội dung này, Giáo sư Lâm Nghị Phu cho biết Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm và dành sự hỗ trợ lớn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp này tham gia vào các hoạt động trong nền kinh tế cùng với các hỗ trợ về vốn vay. Sự hỗ trợ của chính phủ luôn được đảm bảo ổn định và xuyên suốt.
Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Qua hợp tác, cơ sở giáo dục sẽ điều chỉnh các chương trình học, các môn học cho sát với nhu cầu thực thế của thị trường lao động. Các giảng viên, người học tại các trường đại học cũng cần chủ động triển khai các nghiên cứu về nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra những đề xuất thay đổi chương trình học một cách hợp lý./.
(Theo VietnamPlus)