Đồng vốn nghĩa tình
Đặt chân đến Trạm Tấu, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, trùng điệp của núi rừng. Nhưng ẩn sâu trong vẻ đẹp ấy là cuộc sống bao đời còn nhiều vất vả, lam lũ của đồng bào. Rồi, dòng vốn TDCS đã tìm về Trạm Tấu, "tưới mát” cho mảnh đất nơi đây. Trong hành trình tìm hiểu về những "cú hích” từ tín dụng ưu đãi, chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của gia đình chị Mè Thị Nhẫn ở thôn Bản Lừu, xã Hát Lừu.
Từng là hộ nghèo, vợ chồng chị nhận thức rõ muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, cần phải có hướng đi mới, đột phá hơn. Sau nhiều trăn trở, mô hình homestay đã bén duyên với chị. Đầu năm 2022, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện, kết hợp với sự chung tay giúp sức của anh em để xây dựng một homestay nhỏ xinh, ấm cúng, mang đậm bản sắc văn hóa Mông.
Sự táo bạo này không chỉ thể hiện khát vọng vươn lên làm giàu mà còn cho thấy sự nhạy bén đáng khâm phục của người dân vùng cao trong việc nắm bắt cơ hội phát triển du lịch cộng đồng đầy tiềm năng. Chúng tôi cũng tìm đến thôn Làng Nhì, xã Làng Nhì, nơi niềm vui về cuộc sống mới đang lan tỏa trong ngôi nhà khang trang của anh Hờ A Cua.
Anh Hờ A Cua bồi hồi nhớ lại những năm tháng cơ cực: "Nhiều năm trước đây, do không có vốn để đầu tư sản xuất, cái nghèo cứ như bóng ma đeo bám lấy gia đình”.
Bước ngoặt đến vào năm 2016, khi gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH. Anh đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi trâu - một mô hình kinh tế phù hợp với địa hình và tập quán địa phương. "Không ngờ lại hiệu quả cao đến vậy”, anh Hờ A Cua cười tươi rói, ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc giản dị. Đến nay, đàn trâu của gia đình anh đã phát triển lên 6 con, mang về thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn tích cóp xây dựng được ngôi nhà kiên cố, ấm áp.
Và tại thôn Pá Lau, xã Pá Lau, câu chuyện của anh Hảng A Po là một minh chứng sống động khác về sự "hồi sinh” từ "đồng vốn nghĩa tình”. Căn nhà vách đất, mái lá dột nát từng là nỗi ám ảnh thường trực, là gánh nặng đè lên vai gia đình anh Po. Năm vừa qua, anh đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để làm nhà ở.
Với số tiền ấy, cộng thêm sự giúp đỡ của cộng đồng và quyết tâm của cả gia đình, một ngôi nhà kiên cố, vững chãi đã hiện hữu giữa mênh mông núi rừng Pá Lau. Nụ cười rạng rỡ của anh Po như xua tan đi bao khó khăn, vất vả đã từng nếm trải. "Ngày trước khổ lắm. Giờ có nhà mới, vợ chồng con cái yên tâm hẳn. Không còn lo mưa dột, gió lùa nữa rồi!” anh khoe với chúng tôi, ánh mắt lấp lánh niềm vui, xen lẫn tự hào. Ngôi nhà mới đã trở thành động lực mạnh mẽ để anh yên tâm lao động, phát triển kinh tế gia đình.
Những con số "biết nói”
Ông Trần Linh Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu chia sẻ đầy tâm huyết: "Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, đồng vốn chính sách phải thực sự là chiếc "phao cứu sinh” thiết thực, là cơ hội quý giá cho những người dân khó khăn nhất. Từng cán bộ ngân hàng phải là cầu nối vững chắc, tin cậy giữa Đảng, Nhà nước và người dân, giúp bà con từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên thay đổi cuộc đời mình”.
NHCSXH huyện Trạm Tấu đã cùng với UBND xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội chỉ đạo hội ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho vay, tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình, củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cũng như tổ TK&VV. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội ước thực hiện là 311,155 tỷ đồng, quản lý 119 tổ TK&VV, với 5.014 hộ vay vốn còn dư nợ.
Trong đó, Hội Nông dân có 12 tổ chức hội cấp xã nhận ủy thác, quản lý 33 tổ TK&VV, 1.428 hộ còn dư nợ; Hội Phụ nữ có 9 hội cấp xã nhận ủy thác, quản lý 22 tổ TK&VV, 958 hộ còn dư nợ với dư nợ gần 61 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh có 12 hội cấp xã nhận ủy thác, quản lý 34 tổ TK&VV với 1.360 hộ còn dư nợ, dư nợ 86 tỷ đồng; Đoàn thanh niên có 12 tổ chức Đoàn cấp xã nhận ủy thác, quản lý 30 tổ TK&VV, 1.268 hộ còn dư nợ, dư nợ đạt 74 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong tháng 3 năm 2025, doanh số cho vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã đạt tới 32,865 tỷ đồng, cho thấy hoạt động giải ngân diễn ra hết sức sôi động, tiền vốn liên tục được đưa đến tay người dân khó khăn. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn huyện đã đạt 334,841 tỷ đồng, với tổng dư nợ lên tới 334,180 tỷ đồng, tăng 19,841 tỷ đồng so với đầu năm.
"Tín dụng” cho tương lai
Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả sử dụng vốn là đến cuối tháng 3/2025, tỷ lệ nợ quá hạn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ và chất lượng tín dụng được đánh giá đạt 99,31 điểm, xếp loại Tốt. Điều này, khẳng định đồng vốn chính sách không chỉ đến được với người cần mà còn được sử dụng hiệu quả, bền vững, phát huy đúng mục đích. TDCS không chỉ là những con số trên giấy tờ, nó đã hóa thành những viên gạch hồng, những tấm tôn mới, những đường ống dẫn nước sạch…, thắp lên hy vọng và mang đến đổi thay kỳ diệu cho biết bao con người.
Trong năm 2024 nguồn vốn TDCS giúp người dân huyện Trạm Tấu mua được 1.550 con trâu bò; 402 con lợn, dê; trồng mới, cải tạo chăm sóc 22 ha cây ăn quả; khai hoang, cải tạo 12 ha ruộng lúa các loại. Ngoài ra, vốn TDCS còn giúp người dân làm mới, sửa chữa 91 công trình cấp nước sạch, 91 công trình vệ sinh... Những câu chuyện như chị Nhẫn, anh Cua, anh Po, cùng những con số ấn tượng đang ngày càng lan tỏa, vẽ nên một bức tranh tươi sáng, đầy hy vọng về cuộc sống nơi vùng cao Trạm Tấu.
Những ngôi nhà mới kiên cố mọc lên thay những mái nhà dột nát, tạm bợ, những con đường bê tông uốn lượn thay thế cho những lối mòn và tiếng cười nói trẻ thơ rộn ràng khắp các bản làng, xua tan đi cái vẻ heo hút, tĩnh lặng trước đây. TDCS - một phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội, trong các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, không chỉ mang đến sự thay đổi ngoạn mục về vật chất mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng cao Trạm Tấu. Khi cuộc sống ổn định hơn, thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ có thêm thời gian và điều kiện để chăm lo cho con cái học hành, tiếp cận tri thức, tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, tự tin gìn giữ và phát huy những bản sắc dân tộc độc đáo của mình.
Nhờ vốn chương trình tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn huyện Trạm Tấu được sử dụng nước sạch.
Chứng kiến những đổi thay rõ rệt và đầy xúc động ở Trạm Tấu, chúng tôi càng thêm tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của những chính sách nhân văn, thấm đẫm tình người, trong đó TDCS đóng vai trò then chốt. Những đồng vốn ấy không chỉ đơn thuần là tiền bạc mà còn là niềm tin, là hy vọng, là sự sẻ chia ấm áp của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn. Và trên những bản làng của huyện Trạm Tấu, những mái nhà mới, những công trình nước sạch, những mô hình kinh tế hiệu quả đang viết tiếp câu chuyện về đồng vốn chính sách - "tin dụng” cho một tương lai tươi sáng hơn trên mảnh đất Trạm Tấu giàu tiềm năng.
Hết năm 2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS trên địa bàn huyện Trạm Tấu đạt 314,412 tỷ đồng, với 4.900 khách hàng còn dư nợ, tăng 45 tỷ đồng, 16,3% so với đầu năm. Các chương trình TDCS như: cho vay hộ nghèo đạt 186,842 tỷ đồng, hộ cận nghèo 21,590 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 25,258 tỷ đồng và giải quyết việc làm là 11,749 tỷ đồng, đều đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 1,533 tỷ đồng, tăng 0,344 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 128,9% kế hoạch.
|
Thu Hiền