Sáng tạo đưa thông tin về cơ sở
- Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 1999, Ban giám đốc Đài PT - TH Yên Bái quyết định tổ chức sản xuất và cho ra mắt chương trình truyền hình tiếng Mông. Ý tưởng được bắt nguồn từ những chuyến đi cơ sở của các đồng chí lãnh đạo Đài, cũng như những cảm nhận của đội ngũ phát thanh viên, phóng viên về một "khoảng trống" thông tin ở vùng cao đang hiện hữu. Và phần tổ chức sản xuất được giao cho Phòng Biên tập truyền hình.
PTV thực hiện chương trình phát thanh tiếng dân tộc.
|
"Ma-ket" của chương trình đầu tiên gồm lời giới thiệu về sự ra đời của chương trình, một bản tin thời sự ngắn, hai phóng sự, cuối cùng là một bài hát tiếng Mông và độ dài chỉ có 20 phút. "Trình làng" đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, các đồng chí lãnh đạo tỉnh sau khi duyệt chương trình đã đánh giá cao cách làm năng động, sáng tạo của Đài.
Chương trình hoàn thành được duyệt và gửi đi các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Một tuần sau ngày phát sóng, những bức thư, những cú điện thoại liên tiếp gọi về Phòng Biên tập truyền hình khen ngợi, góp ý kiến và mong muốn Đài sản xuất được nhiều chương trình hơn nữa.
Phát huy thắng lợi ban đầu, trong những tháng cuối năm 1999, mỗi tháng Đài sản xuất một chương trình thời lượng 20 phút gửi phát ở đài truyền thanh - truyền hình các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và 10 điểm xem truyền hình công cộng, nơi có đồng bào Mông sinh sống.
Các chương trình truyền hình tiếng Mông được kết cấu ngắn gọn, phù hợp, có nhiều gương điển hình của các vùng miền và được bố trí xen lẫn các tiết mục văn nghệ, trong đó chú trọng các bài hát do các diễn viên quần chúng thể hiện.
Sau nửa năm thử nghiệm, các chương trình được đồng bào Mông đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao. Thành công ấy đã tạo động lực để từ năm 2000, chương trình tăng thời lượng lên 30 phút và một tháng 2 chương trình vào năm 2001, 3 chương trình năm 2002 và 4 chương trình một tháng từ năm 2005.
Đặc biệt, khi truyền hình Việt Nam phát chương trình tiếng dân tộc, Đài PT - TH Yên Bái là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp và đến nay đều đặn mỗi tháng cộng tác 3 chương trình với VTV5.
Gần 10 năm qua, đã có rất nhiều thư của bạn xem truyền hình là đồng bào Mông gửi đến chương trình muốn được chia sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn về pháp luật; tư vấn về tình cảm, gia đình và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị... Không chỉ người dân mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở vùng cao cũng luôn theo dõi chương trình để có cái nhìn tổng quát hơn, nắm bắt được nhiều điều mới và rút ra những bài học phục vụ cho công tác lãnh đạo.
Theo thời gian, chất lượng các chương trình cũng được cải tiến với nhiều thông tin phong phú, nhiều chuyên mục hấp dẫn như: "Bàn chuyện làm ăn", "Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", giới thiệu các tấm gương làm kinh tế giỏi xen lẫn các tiết mục văn hóa văn nghệ... Tất cả đều thấm đẫm hơi thở vùng cao, được biên tập, biên dịch, dàn dựng ngắn gọn, phù hợp theo phương châm "Dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo".
Đến hôm nay, có thể khẳng định vai trò tích cực của chương trình truyền hình tiếng Mông đối với đời sống tinh thần của người dân vùng cao. Những gì mắt thấy tai nghe bằng chính tiếng dân tộc mình có sức thuyết phục cao và động viên đồng bào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước. Đó cũng chính là trách nhiệm xã hội đối với vùng cao của những người làm truyền hình Yên Bái trong việc không ngừng nâng cao chất lượng chương trình truyền hình tiếng Mông cả về nội dung và hình thức.
Thủy Nguyên
Các tin khác
YBĐT - Ai đã từng công tác hay đến với vùng cao dù chỉ một lần chắc sẽ thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.
YBĐT - Trở lại An Thịnh huyện Văn Yên (Yên Bái) khi trời đã sang thu. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất này là bộ mặt kinh tế xã hội của xã đã có nhiều đổi khác. Những ngôi nhà xây khang trang được mọc lên thay những ngôi nhà lá, nhà tranh xưa kia, đường làng ngõ xóm đã rộng mở thênh thang, tỷ lệ hộ khá giàu của xã đã chiếm trên 70%. Những đổi thay đó có phần không nhỏ từ thành quả của công tác Dân số- KHHGĐ.
YBĐT - 6h sáng, gốc đa ở chân dốc Đỏ thị xã Nghĩa Lộ, những chiếc xe đạp cọc cạch, cũ kĩ ngày một đông dần. Chừng 25-30 người đàn ông, trung tuổi có, trẻ có, áo quần cũng cũ kỹ, nhiều đôi dép mòn vẹt…hết đứng lại ngồi.
YBĐT - Những năm gần đây phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn là "điểm nóng" về các tệ nạn ma tuý, mại dâm trá hình, bạo hành trong gia đình. Hồ sơ quản lý của Công an phường luôn có trên 23 con nghiện, nhưng thực tế theo dõi của Hội Phụ nữ phường thì số người nghiện và nghi nghiện lên tới 80 người, nhiều gia đình có cả 2 - 3 anh em đều nghiện ma tuý.