Làm phóng sự truyền hình ở vùng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ai đã từng công tác hay đến với vùng cao dù chỉ một lần chắc sẽ thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái tác nghiệp trên vùng cao Văn Chấn. (Ảnh: P.V)
Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái tác nghiệp trên vùng cao Văn Chấn. (Ảnh: P.V)

Vùng cao Yên Bái là mảng đề tài luôn được các phóng viên báo chí nói chung, phóng viên truyền hình nói riêng khai thác. Tuy nhiên, để có được những thước phim hay, hình ảnh đẹp, hấp dẫn, sinh động nhằm lột tả về thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi này quả thực không dễ chút nào bởi vùng cao đi lại khó khăn, dân cư phân tán, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, ngôn ngữ bất đồng. Chính vì vậy mà mỗi khi đi công tác vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chúng tôi - những người làm truyền hình - phải chuẩn bị rất kỹ càng từ việc chọn đề tài, nội dung kịch bản đến trang thiết bị, máy móc và tư trang hành lý cá nhân như: dép quai, áo mưa, nước uống, mỳ tôm, thuốc men, thậm chí cả đồ ăn khô nếu đi dài ngày.

Ngoài những thứ ấy đòi hỏi người phóng viên phải có sức khỏe, lòng kiên trì, không ngại khó ngại khổ, hòa đồng nhanh, dân vận khéo và không thể thiếu trong mỗi chuyến đi là phải có cán bộ sở tại "chỉ lối đưa đường" và giúp phiên dịch.

Từ khi vào công tác tại Đài PT - TH Yên Bái đến nay đã 14 năm, tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện rất nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phản ánh về phong tục tập quán, những việc làm tốt, cách làm hay, các gương điển hình, nhân tố mới trong học tập, lao động, sản xuất... nhằm biểu dương, khích lệ đồng bào vùng cao vươn lên xây dựng cuộc sống.

Ấn tượng sâu sắc nhất là tôi cùng với các đồng nghiệp thực hiện phóng sự "Những người tạo nên mùa vàng" phản ánh người Mông ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) kiến tạo khai hoang ruộng bậc thang và phóng sự "Nỗi niềm cô giáo vùng cao" nói về sự cống hiến của cô giáo Thường ở xã Túc Đán (Trạm Tấu). Đây là hai phóng sự được tặng bằng khen tại liên hoan truyền hình toàn quốc. Để có được hai tác phẩm này, tôi cùng các đồng nghiệp phải trèo đèo lội suối, cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản để dàn dựng từng cảnh quay. Ví dụ khi thực hiện phóng sự về cô giáo vùng cao, chúng tôi đã phải đi rất nhiều, có khi đi bộ 3 - 4 tiếng đồng hồ mới thực hiện được một số cảnh quay ấn tượng, xúc động lòng người như cảnh cô giáo lặn lội xuống bản vận động trẻ em đi học, cảnh soạn giáo án đêm, hay cảnh cô ngậm ngùi thương nhớ người thân... Phóng sự đã đưa đến cho người xem thấy được, cảm nhận sâu sắc sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, những khó khăn, gian khổ và cả sự cô đơn mà các cô giáo vùng cao phải chịu đựng. Dù mỗi cô một hoàn cảnh nhưng đều chung một mục đích cao đẹp là đem đến cái chữ cho trẻ em vùng cao.

Ai đã từng công tác hay đến với vùng cao dù chỉ một lần chắc sẽ thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Quá trình đi công tác vùng cao, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào. Điều chúng tôi còn nhiều trăn trở là chưa đi hết, nói hết, phản ánh hết hơi thở cuộc sống nơi vùng cao Yên Bái bởi đó là mảnh đất ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu và luôn thôi thúc sự khám phá.

Nguyễn Tiến Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Trở lại An Thịnh huyện Văn Yên (Yên Bái) khi trời đã sang thu. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất này là bộ mặt kinh tế xã hội của xã đã có nhiều đổi khác. Những ngôi nhà xây khang trang được mọc lên thay những ngôi nhà lá, nhà tranh xưa kia, đường làng ngõ xóm đã rộng mở thênh thang, tỷ lệ hộ khá giàu của xã đã chiếm trên 70%. Những đổi thay đó có phần không nhỏ từ thành quả của công tác Dân số- KHHGĐ.

YBĐT - 6h sáng, gốc đa ở chân dốc Đỏ thị xã Nghĩa Lộ, những chiếc xe đạp cọc cạch, cũ kĩ ngày một đông dần. Chừng 25-30 người đàn ông, trung tuổi có, trẻ có, áo quần cũng cũ kỹ, nhiều đôi dép mòn vẹt…hết đứng lại ngồi.

Phương châm hoạt động của hội là gần gũi, cảm hoá các đối tượng lầm lỗi.

YBĐT - Những năm gần đây phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn là "điểm nóng" về các tệ nạn ma tuý, mại dâm trá hình, bạo hành trong gia đình. Hồ sơ quản lý của Công an phường luôn có trên 23 con nghiện, nhưng thực tế theo dõi của Hội Phụ nữ phường thì số người nghiện và nghi nghiện lên tới 80 người, nhiều gia đình có cả 2 - 3 anh em đều nghiện ma tuý.

Cần nhân rộng mô hình phát triển kinh tế và tạo việc làm cho thanh niên.

YBĐT - Tính đến hết tháng 6/2007, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn 7 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý và 16 đối tượng nghi nghiện; tồn tại 3 tụ điểm tổ chức mua bán lẻ cho các đối tượng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục