Được tham gia các lớp tập huấn, định hướng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, tỉnh tổ chức, chị Long Thị Ca - thôn São, xã Tân Lập có thêm kiến thức và quyết tâm khởi nghiệp. Được Hội hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên, chị Ca cùng gia đình quyết định đầu tư mô hình trồng hoa quả sạch trong nhà lưới. Bước đầu, gia đình trồng thí điểm khoảng 1.000m2, sau khi thấy có hiệu quả, gia đình tăng diện tích trồng lên 2.500m2.
"Dự kiến, năm 2025, gia đình mở rộng thêm 1 nhà lưới với diện tích khoảng 2.000m2 để trồng chủ yếu là cây ăn quả ngắn ngày như dưa lê Hàn Quốc, dưa hấu, nho. Ngoài ra, gia đình trồng trên 200 cây bưởi, ổi, và mít” - chị Long Thị Ca cho biết.
Chịu khó học hỏi, chị và gia đình đã thành công trong thiết lập và vận hành trang trại hoa quả sạch áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới như tưới nhỏ giọt, phân bón hữu cơ, kiểm soát sâu bệnh sinh học, giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản; xây dựng thị trường tiêu thụ rộng khắp như hợp tác với siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và triển khai kênh bán hàng online, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng hoa quả sạch trong nhà lưới đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hằng năm trên 300 triệu đồng, không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần phát triển nông nghiệp xanh và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.
Chị Phạm Thị Gấm ở tổ dân phố 1, thị trấn Yên Thế lại khởi nghiệp với mô hình sản xuất, kinh doanh phân viên nén dúi sâu. Trước đây, mô hình của gia đình chị chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong thị trấn. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chị đã không ngừng học hỏi nâng cao chất lượng sản phẩm, được nhiều hộ nông dân tin dùng.
Chị Gấm chia sẻ: "Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh tổ chức, năm 2020, được sự động viên và tạo điều kiện của Hội LHPN thị trấn, tôi mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và liên kết với một số cá nhân để thành lập tổ hợp tác với 3 thành viên cùng nhau duy trì sản xuất, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Ngoài ra, tôi và gia đình còn kinh doanh mặt hàng phân bón các loại. Hiện, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập ổn định, tạo việc làm thời vụ cho 5 đến 7 lao động với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Sản xuất, kinh doanh phân viên dúi sâu cũng là mô hình mà bà Nguyễn Thị Năng ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng lựa chọn. Bà Năng chia sẻ: "Trước đây, gia đình mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp cung ứng các loại lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón cây trồng và mua máy xay xát phục vụ người dân địa phương. Trong quá trình kinh doanh, nhận thấy nhu cầu về phân bón của thị trường nhiều nên tôi quyết định đầu tư mạnh vào sản phẩm này. Từ năm 2007, sau khi tham khảo, học hỏi kỹ thuật tại một cơ sở của tỉnh Thanh Hóa, tôi quyết định đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng trên diện tích 1.000m2 làm cơ sở chuyên sản xuất phân viên nén dúi sâu, cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Đến nay, cơ sở sản xuất của bà Năng và gia đình đã cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện với sản lượng trên 500 tấn/năm, với số tiền trả chậm là trên 700 triệu đồng sau 5 tháng. Ngoài ra, gia đình bà vẫn tiếp tục kinh doanh các mặt hàng về vật tư nông nghiệp và thu mua các loại nông sản nhằm phục vụ cho bà con nông dân trong những tháng giáp hạt bằng hình thức trả chậm sau 5 tháng mới thu hồi vốn, đồng thời kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Bình quân mỗi năm, gia đình bà có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.
Thành công của những người phụ nữ Lục Yên trong hành trình nâng cao quyền năng kinh tế cho mình, phát triển kinh tế cho gia đình khẳng định sự mạnh dạn, tự tin, dám nghĩ, dám làm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị em để làm chủ cuộc sống.
Thu Hạnh