Hãy cùng nhau vượt qua rào cản của sự kỳ thị và phân biệt đối xử!
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hiện nay trong xã hội còn rất nặng nề và đang là rào cản trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến HIV/AIDS càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh
thăm gia đình có người thân mất vì bệnh AIDS.
|
Các nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rằng, nguyên nhân gốc rễ của kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là nỗi lo sợ lây nhiễm HIV và sự đánh đồng HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Cách truyền thông thời gian đầu đã khiến cho người dân quá lo sợ bị lây nhiễm nên nhiều người đã thực hiện các biện pháp phòng tránh không cần thiết, làm tổn thương, thậm chí còn xâm phạm đến quyền của những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong xã hội chúng ta, những người liên quan đến tệ nạn ma túy, mại dâm thường bị lên án gay gắt.
Từ khi xuất hiện ở Việt Nam và ở tỉnh Yên Bái đến nay, HIV/AIDS vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm người tiêm chích ma túy và gái mại dâm nên nhóm người này càng bị kỳ thị hơn. Thêm vào đó, nhiều thông điệp truyền thông những năm qua thường gắn liền HIV với ma túy và mại dâm nên vô hình chung trong nhận thức của người dân coi HIV/AIDS là một tệ nạn xã hội chứ không phải là một loại bệnh "bình thường" như các bệnh khác. Mặt khác, hiểu biết của của cộng đồng về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế.
Trong thực tế, khi tình trạng nhiễm HIV của một người bị bộc lộ, người đó có thể bị kỳ thị ở mọi nơi như: trong gia đình phải ăn, uống riêng, không cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, giảm thiểu các mối giao tiếp xã hội, thậm chí nhiều gia đình còn hắt hủi, bỏ rơi. Tại cộng đồng, hàng ăn, quán nước, chợ từ chối hoặc miễn cưỡng bán hàng cho người nhiễm HIV vì sợ khách hàng bỏ đi; hàng xóm xì xào, đàm tiếu, xa lánh người nhiễm HIV và gia đình họ, tránh không sử dụng dịch vụ của gia đình người nhiễm HIV. Tại trường học, con cái của người nhiễm HIV ngồi riêng, không có bạn chơi cùng. Tại nơi làm việc, cho người nhiễm HIV thôi việc, chuyển làm công việc khác, đồng nghiệp xa lánh, không tôn trọng.
Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chính là một rào cản lớn nhất đối với những nỗ lực phòng chống đại dịch này - đây là nguyên nhân chủ yếu khiến HIV/AIDS càng trở nên khó kiểm soát hơn. Các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam chỉ ra rằng, kỳ thị có tác động mạnh mẽ đến cá nhân, cộng đồng và gia đình.
Trước hết, kỳ thị dẫn đến những hành vi loại trừ đối với những người nhiễm HIV hoặc bị nghi là như vậy, làm cho họ bị cô lập ngay trong gia đình hoặc cộng đồng của mình, tước đi của họ điều kiện sống bình thường của một con người. Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là vi phạm pháp luật, ví dụ như cho người nhiễm HIV thôi việc hay không tiếp nhận trẻ em có HIV hoặc con của người nhiễm HIV vào học... Các cơ sở y tế từ chối khám bệnh cho người nhiễm HIV. Kỳ thị còn gây trở ngại cho việc chăm sóc y tế vì nhiều người nhiễm HIV không tìm đến các dịch vụ y tế và điều trị vì sợ bị kỳ thị. Họ không muốn đến điều trị khi bị đau ốm khiến cho sức khỏe bị hủy hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những người nghi mình bị nhiễm HIV không dám đi xét nghiệm vì sợ bị kỳ thị nếu có kết quả dương tính. Mặt khác, kỳ thị còn cản trở sự hỗ trợ vì người nhiễm HIV cần được sự hỗ trợ chăm sóc cả về thể chất, tinh thần và tình cảm nhưng họ thường không nhận được do sợ bộc lộ tình trạng nhiễm bệnh của mình.
Do sợ bị kỳ thị, người nhiễm HIV thường tự mặc cảm, sống tiêu cực buông xuôi và không cố gắng. Kỳ thị còn làm suy yếu tình đoàn kết cộng đồng, tạo ra sự ngăn cách giữa cộng đồng với người nhiễm HIV khiến họ không nhận được sự hỗ trợ mà họ đang cần. Những người muốn giúp đỡ người nhiễm HIV cũng e ngại vì sợ làm trái với suy nghĩ chung của cộng đồng. Kỳ thị còn làm giảm hiệu quả của những nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cản trở những người nhiễm HIV được tiếp cận với các hoạt động phòng tránh như tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và điều trị...
Điều đáng lo ngại hơn nữa là kỳ thị gây trở ngại cho việc thực hiện các hành vi an toàn và thay đổi hành vi thông qua các can thiệp giảm thiểu tác hại trong dự phòng lây nhiễm vì sợ bạn tình, gia đình, cơ quan nghi ngờ; người nhiễm HIV hoặc nghi là có HIV không dám trao đổi về các nguy cơ và biện pháp tình dục an toàn. Kỳ thị còn làm cho mọi người có ảo giác rằng, chỉ có một số người nhất định mới dễ bị nhiễm HIV (tiêm chích ma túy, gái mại dâm, những người chơi bời) nên mất cảnh giác, phủ nhận nguy cơ của chính mình và coi những hoạt động phòng tránh là để áp dụng cho những người khác chứ không phải cho họ.
Trong công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung và các hoạt động để xóa bỏ sự phân biệt kỳ thị đối xử nói riêng, thông tin giáo dục truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là: Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước liên quan đến HIV/AIDS. Một trong những quan điểm chỉ đạo và giải pháp chủ yếu của Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/3/2004 là chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội đối với những người nhiễm HIV/AIDS cũng như trách nhiệm của họ đối với gia đình và xã hội.
Chỉ thị 54/CT-TƯ do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 30/11/2005 cũng chỉ đạo phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Và gần đây nhất, Luật phòng chống HIV/AIDS đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2006 nêu rõ quyền của người nhiễm HIV được sống hòa nhập cộng đồng và xã hội, được điều trị và chăm sóc sức khỏe, học văn hóa, học nghề và làm việc, được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS.
Hai là: Nội dung trong thông tin giáo dục truyền thông phải tạo ra được sự hiểu biết về kỳ thị, hậu quả và tầm quan trọng của việc chống kỳ thị; làm cho mọi người dân nhận thức được những thái độ, lời nói và hành vi nào là kỳ thị, phân biệt đối xử. Đồng thời đưa ra những thái độ đúng đắn, tích cực và hành vi hỗ trợ, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi HIV.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc cung cấp các thông tin về cơ chế lây nhiễm của HIV và cách phòng tránh lây nhiễm, chăm sóc người nhiễm HIV, thuốc kháng vi rút và những hoạt động điều trị. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến HIV/AIDS phải luôn được cập nhật, chú ý dùng các tấm gương tiêu biểu của người nhiễm HIV vượt lên khó khăn để sống có ích và huy động sự tham gia của họ vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Các thông điệp, hình ảnh truyền thông phải mang tính tích cực, tránh hù dọa, lên án và không nên đánh đồng HIV với các tệ nạn xã hội.
Ba là: Phải đa dạng hóa các loại hình truyền thông về chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử như: báo, đài phát thanh, truyền hình, sử dụng các hình thức trực quan như pa nô, áp phích, sân khấu hóa, lồng ghép vào các buổi họp, sinh hoạt tại cộng đồng...
Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và cả cộng đồng. "Hãy cùng nhau vượt qua rào cản của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS! ".
Tiến sĩ Đào Thị Ngọc Lan
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái
Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS
Các tin khác
YBĐT - Là tổ chức chính trị xã hội của nông dân, Hội Nông dân xã Yên Hưng, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ chức Hội; từng bước xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng là nhiệm vụ quan trọng được BCH Hội quan tâm, trăn trở.
YBĐT - Chịu sự tác động chung của thị trường trong nước, tháng 11/2007, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tăng 1,75% so với tháng 10, cao hơn mức bình quân cả nước (1,23%) và nằm trong nhóm các tỉnh có mức tăng cao.
YBĐT - Chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) ra nước ngoài ở huyện Văn Chấn được bắt đầu từ năm từ năm 2003. Sau gần 5 năm, toàn huyện đã có trên 1.000 người lao động đang làm việc tại nước ngoài (chủ yếu ở Malaysia). Hàng năm, số lao động này gửi hàng trăm triệu đồng về địa phương; nhiều xã giàu lên nhờ xuất khẩu lao động, như: Cát Thịnh, Thượng Bằng La...
YBĐT - Ngày 28/11, Ủy ban Dân tộc phối kết hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho 80 cán bộ làm công tác dân tộc, trưởng thôn, bản của tỉnh.