Công đoàn Công ty May xuất khẩu Yên Bái: Vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh
- Cập nhật: Thứ ba, 4/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hơn mười năm chìm nổi với ngành hàng may xuất khẩu cũng là ngần ấy năm Công ty May xuất khẩu Yên Bái loay hoay với bài toán nợ nần, thiếu vốn, thiếu lao động tay nghề cao. Cùng đó, hoạt động của tổ chức công đoàn cũng mờ nhạt, luôn ở thế thụ động, phụ thuộc.
Đến giữa năm 2005, được tỉnh quan tâm, sắp xếp lại tổ chức đã tạo luồng sinh khí mới giúp Công ty có sự đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thoát ra khỏi khó khăn, chuyên môn với công đoàn đã chọn giải pháp cải tiến, đổi mới công tác quản lý; rà soát lại các định mức lao động, định mức kinh tế kỹ thuật để điều chỉnh hoặc thay thế và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trong quản lý, việc bố trí, phân công đúng người, đúng việc, đúng năng lực trình độ đã giúp cho cán bộ phát huy được chuyên môn, có ý thức vươn lên trở thành người quản lý giỏi. Có biện pháp quản lý phù hợp đã kích thích người lao động có ý thức, quan tâm hơn đối với sản phẩm của mình, đẩy năng suất lao động tăng cao, thu nhập được nâng lên đáng kể và đến nay không còn tư tưởng bỏ việc đi làm nơi khác.
Để Công ty tự chủ và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 1.8.2007, tỉnh Yên Bái đã giao 100% vốn cho người lao động, chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Vốn xác định được chia cho người lao động tính theo thâm niên làm việc dùng để mua cổ phần và như vậy, người lao động đã thực sự làm chủ doanh nghiệp, được quyền tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, chiến lược phát triển của Công ty.
Người lao động đã gắn kết hơn với doanh nghiệp, trách nhiệm hơn với mỗi sản phẩm mình làm ra. Điều đó được đánh giá qua thực tế 9 tháng đầu năm 2007, Công ty đã sản xuất đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra ở mức cao nhất từ trước tới nay với giá trị tổng sản lượng gần 2,5 tỷ đồng; doanh thu tiêu thụ trên 3,3 tỷ đồng; nộp ngân sách 63,5 triệu đồng; lợi nhuận đạt 32 triệu đồng; bảo đảm việc làm cho 215 lao động với mức thu nhập bình quân 830 ngàn đồng/người/ tháng, tăng 87 ngàn đồng so với kế hoạch năm.
Để ổn định sản xuất và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, chuyên môn và công đoàn luôn quan tâm và chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề cho công nhân. Việc dạy nghề được coi là một công đoạn quan trọng trong dây chuyền sản xuất và Công ty luôn quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để công nhân nâng cao tay nghề.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc Công ty May xuất khẩu thì: “Sau 3 tháng học nghề, Công ty tuyển dụng vào làm việc và tháng đầu hỗ trợ tiền lương cho công nhân mới. Số công nhân đã có thời gian làm việc lâu dài thì căn cứ vào sản phẩm của họ để đánh giá tay nghề. Và khuyến khích họ nâng cao tay nghề bằng tiền thưởng, nếu đạt tiền công trên một triệu đồng thì được tính thưởng 5% của số tiền vượt”.
Đi lên cùng doanh nghiệp, Công đoàn Công ty đã có nhiều hoạt động rõ nét, xây dựng được mối quan hệ công tác giữa công đoàn với chuyên môn; biết phát huy hệ thống truyền thanh nội bộ cho công tác tuyên truyền, giáo dục CNLĐ chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, nội quy của đơn vị và thực hiện đúng quy trình, quy phạm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Trong tham gia quản lý, công đoàn tham gia có trọng tâm, đúng chức năng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động vào xây dựng doanh nghiệp. Những việc làm ấy đã giúp cho công đoàn tìm lại được chỗ đứng trong doanh nghiệp, lấy được lòng tin của người lao động.
Trong hoạt động, công đoàn còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban giám đốc Công ty. Giám đốc Hoàng Kim Lan đã từng nhiều năm làm Chủ tịch Công đoàn xác định: “Để phấn đấu đưa doanh nghiệp phát triển, chúng tôi xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa công tác chuyên môn và hoạt động của công đoàn. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; dành cho công đoàn thời gian để hoạt động, trích đủ kinh phí và giao một số dịch vụ của Công ty cho công đoàn để tạo thêm nguồn cho hoạt động. Trước mắt, đơn vị còn rất nhiều khó khăn nên vai trò của công đoàn là không thể thiếu trong tham gia quản lý, trong tuyên truyền giáo dục, trong phối hợp tổ chức phát động các phong trào”.
Để Công đoàn Công ty May xuất khẩu Yên Bái thực sự là chỗ dựa tin cậy, là đại diện hợp pháp duy nhất của người lao động trong quan hệ lao động mới thì ngoài sự nỗ lực tự vươn lên, cùng với sự ủng hộ tạo điều kiện của chuyên môn, tổ chức công đoàn rất cần sự trợ giúp của công đoàn cấp trên về bồi dưỡng nghiệp vụ, về kinh nghiệm hoạt động, về giải quyết và tháo gỡ những khó khăn trong thời kỳ chuyển đổi doanh nghiệp.
Đại Việt
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại Trung tâm Chính trị huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Hội đồng giáo dục Quốc phòng huyện đã mở lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng-an ninh cho 47 già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín của các xã, thị trấn trong huyện.
YBĐT - Ngày 3/12, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Đoàn khối cơ quan Trung ương đoàn tổ chức buổi toạ đàm "nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý".
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và xuất khẩu lao động huyện Yên Bình đã tổ chức 13 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 475 học viên. Các học viên này thuộc 4 đối tượng lao động, đó là: lao động nữ chưa có việc làm, người dân tộc, đối tượng bị thu hồi đất và một số lao động làm nông nghiệp trên địa bàn.
YBĐT - Ngày 1/12, UBND tỉnh Yên Bái phối với Sở Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Dự và chủ trì lễ mít tinh có bà Hoàng Thị Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS; lãnh đạo Sở Y tế, Lao động TBXH cùng đông đảo tầng lớp nhân dân xã Đại Lịch.