Yên Bái chăm lo sáng mắt cho đồng bào
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người già trong bản thường bảo: "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"; thế mới biết, không nhìn thấy gì như mình khổ nhiều lắm. Nay lại được tỉnh cho mổ mắt không mất tiền như thế này thì cảm ơn tỉnh và Chính phủ nhiều lắm.
Bác sĩ thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh khám mắt cho bệnh nhân có bệnh về mắt.
|
Bà Lò Thị Thêu, 61 tuổi, dân tộc Thái ở vùng Mường Lò (Văn Chấn, Yên Bái) khi tham gia chương trình mổ đục thuỷ tinh thể miễn phí đã không giấu được sự vui mừng: "Hai mắt của mình bị mờ không nhìn rõ được đến bốn năm rồi đấy. Người già trong bản thường bảo: "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"; thế mới biết, không nhìn thấy gì như mình khổ nhiều lắm. Nay lại được tỉnh cho mổ mắt không mất tiền như thế này thì cảm ơn tỉnh và Chính phủ nhiều lắm.
Thực trạng về bệnh mắt ở cả nước nói chung và Yên Bái nói riêng đang là nỗi lo của nhiều người. Đó là, sự tổn hại về mắt của trẻ em do thiếu ánh sáng khi học hay xem màn hình điện tử quá mức; tình trạng mù loà của người lớn do thiếu chất trong cơ thể hoặc bị mắc các bệnh xã hội không được khám chữa kịp thời.
Yên Bái là tỉnh miền núi có 31 dân tộc anh em sinh sống, năm 2007 còn 24,16% hộ nghèo. Qua điều tra cơ bản toàn tỉnh còn 5.055 người bị mù, trong đó có 3.255 người bị mù do đục thuỷ tinh thể hoàn toàn có thể chữa trị được bằng y học hiện đại. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho khu vực miền núi và vùng sâu của tỉnh, giảm tình trạng mù loà và tổn hại chức năng thị lực của trẻ em và người lớn thuộc khu vực vùng khó khăn, trong tháng 7-2007 tổ chức phi chính phủ ORBIS đã có mặt tại Yên Bái để cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt bền vững cho đồng bào trong khu vực.
Có một thực tế, đội ngũ chuyên khoa mắt của tỉnh hiện còn mỏng, trong số 12 bác sỹ và một thạc sỹ chuyên khoa mắt thì chỉ có 2 người phẫu thuật được đục thuỷ tinh thể, lác, sập mi, Flôcom. Riêng năm 2006, bằng nhiều nỗ lực toàn tỉnh cũng chỉ phẫu thuật đục thuỷ tinh thể được 416 ca, còn tồn hàng ngàn người có nhu cầu phẫu thuật để đem lại ánh sáng cho cuộc sống nhưng không thể đáp ứng được. Do vậy, cùng với các bệnh về mắt ngày một gia tăng, việc cấp thiết chăm sóc mắt cho đồng bào vùng khó khăn đang đặt ra một bài toán cần có lời giải thoả đáng.
Dự án: "Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho khu vực miền núi và vùng sâu tỉnh Yên Bái", được thực hiện từ tháng 7- 2007 đến năm 2010, đã đem lại cơ hội mới cho những người khiếm thị, bấy lâu có mắt nhưng không cảm nhận được ánh sáng. Hiện tại, dự án đã giới thiệu dự án cho trên 60 cán bộ giáo viên, giảng viên cấp tỉnh; tập huấn được 300 cán bộ ytế thôn bản; 300 công tác viên thuộc các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. Đưa đi đào tạo chuyên sâu tuyến Trung ương ba bác sỹ, sau khi đào tạo xong sẽ đảm bảo phẫu thuật mổ đục thuỷ tinh thể bằng Fa-co; ngoài ra có các kỹ thuật viên các chuyên khoa sâu như: chẩn đoán, điều trị, mài lắp hoàn chỉnh kính thuốc với giá ưu đãi thấp hơn thị trường, trong đó có ưu tiên giảm giá đối với các đối tượng nghèo.
Ngay trong đầu tháng 10- 2007, nhân Ngày Thị giác thế giới, cán bộ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh tổ chức 5 điểm khám thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh mắt. Đã cấp thuốc miễn phí trên hai triệu đồng cho các bệnh nhân, trong đó có 65 cháu đang học tại trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cán bộ y tế đã khám và điều trị cho 3 cháu bị lông quặm, 9 cháu bị tật khúc xạ. Đặc biệt, qua Uỷ ban MTTQ tỉnh ủng hộ 30 triệu đồng nên 100 người thuộc đối tượng nghèo được mổ đục thuỷ tinh thể, đem lại ánh sáng lần thứ hai trong cuộc đời con người.
Bác sỹ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: "Yên Bái là tỉnh miền núi, các tập quán sinh hoạt ở vùng cao có nơi còn chưa hợp vệ sinh, trong khi đó trẻ em ở thành thị cũng bị áp lực học tập và chơi điện tử nên thường xuyên mắc các tật khúc xạ mắt. Qua điều tra của Trung tâm ở 900 hộ dân với 3.275 người tham gia, thì có 6,9% người mắc các bệnh về mắt như: cận, lác, viễn; có 2,4% người bị đục thuỷ tinh thể hai mắt; có 6,6% người bị đục thuỷ tinh thể một mắt; mắc Glocom chiếm 1,2%; viêm kết mạc chiếm 1,75... Đây là một thực trạng bệnh xã hội cần sớm được phát hiện, điều trị nhằm đem lại ánh sáng cho mọi người. Nay có dự án ORBIS đầu tư, tỉnh sẽ sớm chấm dứt tình trạng trên, số tiền dự án không lớn nhưng hiệu quả mang lại giúp cho hàng ngàn người nghèo khiếm thị cơ hội có ánh sáng lần thứ hai trong đời.
Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Xác định tạo việc làm là nhiệm vụ quan trọng nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị tại địa phương, thị xã Nghĩa Lộ đã cụ thể hóa chương trình lao động việc làm bằng các nghị quyết chuyên đề gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, được HĐND thị xã thông qua.
YBĐT - Trong những năm gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, việc xây dựng và ký kết các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư đã góp phần không nhỏ trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư.
YBĐT - Thành lập tháng 11 năm 2005, Công đoàn xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có 25 đoàn viên. Đi vào hoạt động, Công đoàn xã đã xây dựng quy chế làm việc; quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn với chính quyền, với các đoàn thể chính trị xã hội; xác định rõ công việc để chủ động trong công tác, tránh chồng chéo, lấn sân.
YBĐT - Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và quản lý cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của đơn vị.