2 năm triển khai Đề án Giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010: Kết quả cơ bản, hiệu quả thiết thực
- Cập nhật: Thứ tư, 26/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở Yên Bái, sau 2 năm triển khai Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2001 - 2010 có thể nhận thấy, quan điểm này đã được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cụ thể hoá trong các hoạt động giảm nghèo có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm xưởng chế biến chè của gia đình chị Hà Thị Thiết, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) cho thu nhập 100.000 đồng/ngày.
|
Năm 2007, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái đạt hai con số (trên 11%), mức cao nhất sau 2 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2005 - 2010.
Trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã huy động trên 320 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, vốn Chương trình 135, vốn Dự án Chia sẻ, WB... để tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng cao. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn tiếp tục được cải thiện, góp phần tạo cơ hội cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền cơ sở, tỉnh đã có chủ trương bồi dưỡng, tăng cường cán bộ cho những vùng đặc biệt khó khăn, trong đó đã bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chỉ đạo công tác giảm nghèo cho 2.258 lượt cán bộ xã, phường, thôn bản.
Về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo: trong 2 năm đã có thêm 30.000 hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định đời sống với mức vay bình quân 8,5 triệu đồng/hộ, trên 8 tỷ đồng đào tạo nghề ngắn hạn chăn nuôi, thú y, thuỷ sản, sửa chữa xe máy, điện nông thôn, máy may công nghiệp... cho trên 9.000 lượt lao động nông thôn.
Rất nhiều người lao động nghèo trong số này hiện đang tham gia lao động ở các khu công nghiệp trong nước và một bộ phận không nhỏ đang làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...mang ngoại tệ về cho tỉnh, giúp bản thân và gia đình vượt nghèo. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong hộ gia đình, tỉnh cũng đã quan tâm dành trên 45 tỷ đồng để hỗ trợ 158.060 lượt hộ nông dân được trang bị kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng cây con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên của các vùng, đã có trên 20 mô hình trình diễn có hiệu quả, như trồng cây ăn quả ở Văn Chấn, Lục Yên; cây dược liệu ở Mù Cang Chải; trồng cây đậu tương trên đất dốc ở Trạm Tấu; nuôi cá ruộng ở Mường Lò; chăn nuôi bò bán công nghiệp ở các huyện vùng thấp; trâu bò cái sinh sản ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải...
Nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp để xóa đói giảm nghèo. |
Các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục cũng đã được quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo được hưởng lợi. Trong 2 năm đã có 471.575 lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh miễn phí; 412.000 lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, cấp sách giáo khoa đồ dùng học tập; 10.737 học sinh dân tộc nghèo, học sinh tàn tật nghèo được trợ giúp học bổng với mức 120.000 đồng/em/năm học... Nhờ đó, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả rất phấn khởi: trong 2 năm toàn tỉnh đã giảm 14.107 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 34,71% xuống còn 24,16% vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa có tính bền vững. Vừa qua, trong đợt rà soát hộ nghèo ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố có một thực tế đặt ra là: trong năm 2007, toàn tỉnh có 9.421 hộ thoát nghèo, nhưng có đến 6.650 hộ mới rơi vào diện nghèo.
Theo phân tích chuyên môn thì do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Do nền kinh tế: Yên Bái vốn là tỉnh nghèo, số hộ cận nghèo đông, rất dễ tổn thương do các tác động bên ngoài.
Do những hộ gia đình mới tách ra ở riêng, không được chuẩn bị kỹ càng cho hôn nhân nên không tự lập được về kinh tế, việc làm không ổn định, thiếu ruộng, vườn canh tác, thu nhập thấp nên khi rà soát phần lớn số hộ này (đặc biệt là ở vùng nông thôn) đều rơi vào diện nghèo mới phát sinh.
Số hộ nghèo phát sinh lớn còn do nguyên nhân rất cơ bản là những năm trước, việc bình xét hộ thoát nghèo không theo quy trình, bài bản, thậm chí có cơ sở chạy theo kế hoạch giảm nghèo của cấp trên giao. Do đó đã đưa những hộ chưa thực sự thoát nghèo ra khỏi danh sách nghèo; nay khi tiến hành rà soát có hệ thống, những hộ này lại rơi vào diện nghèo phát sinh của năm 2007 (tái nghèo).
Hộ nghèo phát sinh nhiều còn có nguyên nhân từ cơ chế: các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Đảng và Nhà nước đều được triển khai theo đầu hộ nghèo, vì vậy có rất nhiều gia đình ở nông thôn vùng cao, vùng 135 đang sống theo mô hình "tứ đại đồng đường" nay hàng loạt tách nhỏ thành nhiều hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ, như chính sách hỗ trợ làm nhà ở, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt... trở thành hộ nghèo phát sinh.
Mức lạm phát trên toàn quốc làm giảm sức mua của đồng tiền cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hộ nghèo có mức thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng hiện nay.
Hơn nữa còn do, sử dụng nguồn nhân lực trong gia đình, đồng vốn Nhà nước, vốn vay không hợp lý; ý thức vươn lên thoát nghèo chưa cao, nhiều gia đình hài lòng với mức sống hiện tại.
Điều này cho thấy hạn chế của công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm vừa qua, đó là mới quan tâm, chú trọng đến các chính sách, dự án bên ngoài (khách thể) mà chưa quan tâm đến chủ thể, đó là ý thức tự vươn lên của hộ nghèo. Không ai khác, người nghèo phải tự quyết định lấy số phận của mình: giàu có hay nghèo khó? Bước sang năm 2008, việc triển khai các dự án, chính sách thuộc Đề án Giảm nghèo cần chú trọng đến yếu tố này, bằng các hình thức sau:
- Tuyên truyền, giáo dục cho người nghèo, hộ nghèo về ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Mỗi hộ nghèo, mỗi thành viên trong hộ đều nung nấu ý chí thoát nghèo và quyết tâm thoát nghèo;
- Tiếp tục chỉ đạo công tác giảm nghèo cụ thể , thiết thực và hiệu quả, bao gồm: lập kế hoạch, phân công phụ trách, huy động nguồn lực, trang bị công cụ quản lý;
- Huy động tối đa nguồn lực, trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi là chính, đạt 70% tổng nguồn vốn để hộ nghèo có ý thức cao trong sử dụng hiệu quả đồng vốn, từng bước khắc phục tình trạng bao cấp, trợ giúp;
- Tiếp tục đào tạo nghề cho 7000-8000 hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về dạy nghề, Chương trình MTQG về giảm nghèo.
Phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, ý thức tự lực, tự cường cùng với sự chỉ đạo giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể với quyết tâm cao nhất, các hộ nghèo tỉnh Yên Bái sẽ từng bước thoát nghèo theo lộ trình kế hoạch đã định.
Hoàng Đức Vượng - Tỉnh ủy viên
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã thể hiện rõ vai trò và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
YBĐT - Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm đến công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở.
YBĐT - "Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho khu vực miền núi và vùng sâu" là tên và cũng là mục tiêu hướng tới của dự án do Tổ chức phi chính phủ ORBIS tài trợ cho tỉnh Yên Bái. Dự án trị giá 7,7 tỷ đồng, thực hiện từ 1/7/2007 đến 31/12/2010, nhân dân - đặc biệt là đồng bào vùng cao của tỉnh sẽ được hưởng những ưu đãi và sẽ được điều trị bằng công nghệ kỹ thuật hiện đại khi có nhu cầu chăm sóc, chữa trị mắt.
YBĐT - Đến 17/12/2007, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã bàn giao đủ toàn bộ 278.373 thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố.