Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở: Những chuyển biến mới
- Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau một năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngành văn hoá - thông tin đã chủ động đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở. Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thực sự quan tâm đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển văn hóa; có cơ sở đã tổ chức tốt việc lồng ghép nhiệm vụ, nội dung thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực xã hội với việc thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Tiết mục “Múa cầu mùa” của người Dao Nga hoàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Trấn Yên năm 2007.
|
Ở các làng, bản, khu phố văn hoá, người dân đã hưởng ứng tích cực việc xây dựng nếp sống văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa và xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở.
Hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, thường xuyên bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh và cơ sở; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp, các phòng, trung tâm văn hóa các huyện, thị, thành phố thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: panô, băng-rôn, tuyên truyền miệng trên xe lưu động… Các đội thông tin lưu động biên soạn, dàn dựng nhiều chương trình kịch bản, tiểu phẩm, tiết mục tuyên truyền phục vụ trên 500 buổi ở cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh với các thứ tiếng Việt, Mông, Thái, Dao phục vụ đồng bào các dân tộc. Đến nay toàn tỉnh đã có 76% số hộ gia đình được xem và nghe chương trình phát thanh - truyền hình của địa phương và Trung ương.
Hoạt động nghệ thuật quần chúng có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong năm 2007, các xã, cụm xã đã tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, qua đó nhiều hạt nhân văn nghệ ở cơ sở đã được phát hiện và bồi dưỡng. Toàn tỉnh hiện có 560 đội văn nghệ quần chúng ở các làng, bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị. Các đội này đã tự tổ chức hàng ngàn buổi sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng. Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Yên Bái lần thứ IX năm 2007 có 230 diễn viên quần chúng tham gia với 41 tiết mục đặc sắc. Các mặt hoạt động khác như: nâng cao mức hưởng thụ sách, nghệ thuật chuyên nghiệp xem chiếu bóng và video; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đều thu được những kết quả quan trọng.
Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở được coi trọng, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được củng cố và kiện toàn lại từ cấp tỉnh đến cơ sở nên hoạt động đã đi vào chiều sâu. Ban chỉ đạo các cấp đã vận dụng hiệu quả 5 nội dung, 7 phong trào của cuộc vận động vào đời sống của nhân dân; tổ chức in, phát hành trên 164 ngàn bản các tiêu chuẩn gia đình, làng, bản, khu phố, đơn vị văn hóa tới cơ sở. Năm 2007, toàn tỉnh có 81,5% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 36,5% số làng, bản đạt tiêu chuẩn làng, bản văn hóa; 94% số cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa và đã có 23 xã, phường đăng ký xây dựng xã văn hóa, trong đó năm 2007 có 7 xã đăng ký ra mắt xây dựng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, các gia đình, dòng họ đã thực hiện việc tổ chức việc cưới, việc tang tiết kiệm, trang trọng và lành mạnh.
Việc tổ chức lễ hội ở các đình, đền, chùa được thực hiện đúng quy chế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; tăng cường kiểm tra các hoạt động lễ hội, kiên quyết xử lý các hoạt động mê tín, dị đoan; tiếp tục bảo tồn các lễ hội dân gian nhằm phát huy bản sắc văn hóa, giáo dục truyền thống và gắn văn hóa tâm linh với phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, mặt bằng kinh tế, xã hội, dân trí của nhân dân còn thấp; các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế chưa nhiều; đời sống văn hóa ở cơ sở còn nhiều hạn chế, mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng chênh lệch khá lớn. Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tình trạng thiếu thông tin còn phổ biến. Chất lượng gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa chưa cao... Đây cũng là những tồn tại mà ngành văn hóa - thông tin tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và cũng đã đề ra những giải pháp thiết thực như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức đoàn thể; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của văn hóa thông tin cơ sở… Năm 2008, toàn tỉnh phấn đấu có 82% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 42% làng, bản, khu phố văn hóa; 94,5% cơ quan, đơn vị, khu phố văn hóa và có thêm 8 - 10 xã, phường, thị trấn ra mắt xây dựng đạt chuẩn văn hóa.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, phong trào hoạt động của hội phụ nữ các huyện, thị, thành phố đều tập trung hướng về cơ sở, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ của hội cấp trên để xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội.
YBĐT - Người ta thường ví rằng “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”; Nhưng một điều đáng bàn là thanh niên hiện nay có thực sự khoẻ mạnh để phục vụ chính bản thân, gia đình và cho đất nước? Chỉ bằng một con số cụ thể dễ dàng giải đáp phần nào điều đó.
YBĐT - Đây chính là nội dung Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mù Cang Chải khóa XVI về “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2007 - 2010 và đến năm 2015”.
YBĐT - Ngày 28/12, Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết dự án phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ.