Mùa dịch thủy đậu: Chủ quan sẽ gây biến chứng nguy hiểm
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2008 | 12:00:00 AM
Hơn một tuần qua, khoa khám bệnh của BV Nhi TƯ và BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị bệnh thủy đậu (phỏng rạ) tới khám. Theo các bác sĩ nhi, thời điểm này chính là mùa của bệnh thủy đậu.
|
Theo bác sĩ Phạm Thị Hương - chuyên khoa Da liễu, Giảng viên trường ĐH Y Hà Nội: “Thủy đậu thường diễn biến nhẹ. Tuy nhiên nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nốt phỏng, nhiễm trùng huyết dẫn đến những tác hại ảnh hưởng đến hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, tử vong”.
Phụ nữ có thai bị thủy đậu trong nửa đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ, da... của bào thai. Với trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, những người bị eczema hoặc có bệnh về máu, bệnh thường nặng, nốt phỏng hay bị loét, hoại tử, có chứa chấy nhày màu xám; có khi còn gây viêm thận cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm tủy thoáng qua, viêm màng não vô khuẩn. Nếu trẻ gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, nốt phỏng có thể bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn da nặng hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu. Nhiều phụ huynh khi con mắc bệnh đã điều trị không đúng cách, dẫn đến tình trạng bội nhiễm.
Thống kê cho thấy, biến chứng phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da và phần mềm có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da. Bởi vậy, khi trẻ mắc bệnh, cần được cách ly với người lành, tốt nhất là cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang các trẻ khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của bệnh nhân đều được dùng riêng, nhất là bát, đũa, khăn mặt.
Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh, cần đưa đi khám bác sĩ, không được tự ý tắm cho trẻ bằng các loại lá theo chỉ dẫn truyền miệng dân gian để tránh tình trạng bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, virus gây bệnh thủy đậu cũng chính là tác nhân gây bệnh giời leo về sau. Bệnh giời leo gây nóng và đau nhức có thể kéo dài trong nhiều năm.
Dễ lây bệnh qua đường tiếp xúc
Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Tuổi mắc nhiều nhất là 2 - 7 tuổi. Bệnh rất dễ lây và thường có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn, bắt đầu ở thân, rồi đến mặt, quanh miệng và da đầu. Lúc đầu, những nốt đỏ giống như ban sởi, vài giờ sau thành nốt phỏng. Hiện tượng mụn nổi lên kéo dài 2-3 ngày, gây ngứa khiến các cháu muốn gãi làm xước da, gây nhiễm trùng và các mụn lâu đóng vảy.
BS Nguyễn Thành – Trưởng khoa Khám Viện Da liễu Việt
Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp. Khi tiếp xúc, những giọt nước bọt bắn trong không khí có chứa virus gây bệnh thủy đậu sẽ dễ dàng lây sang người lành, nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu ớt. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2-3 tuần.
Thời kỳ lây truyền dài nhất là 5 ngày, thường từ 1-2 ngày trước khi phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp phỏng dạ đầu tiên. Vì vậy, ở những nơi tập trung đông trẻ như các trường mẫu giáo, các trường tiểu học, nếu xuất hiện một vài ca bệnh thủy đậu sẽ rất dễ lây lan thành dịch.
Tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh nhưng lứa tuổi dễ nhiễm bệnh nhất là từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên hay gặp nhất vào mùa thu - đông.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh
Khi mắc bệnh thủy đậu, bệnh nhân nhất thiết phải được cách ly từ 7 - 10 ngày để tránh lây cho người xung quanh. Việc này làm gián đoạn các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ em và công việc của người lớn. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em và người lớn giúp tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, những biến chứng và nguy cơ tử vong cho mọi người.
Trên thực tế, khoảng 80 - 90% số người chưa tiêm phòng vaccine thủy đậu bị mắc bệnh. Hầu hết những người từng bị thủy đậu sẽ miễn dịch đối với căn bệnh này. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có hiện tượng tái nhiễm.
BS Lộc cũng khuyên, thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh metilen; không được bôi mỡ Tetraxiclin, mỡ Penixilin hay thuốc đỏ. Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh.
Mọi trường hợp nhất thiết phải được thầy thuốc thăm khám bệnh chỉ định và hướng dẫn cụ thể. Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.
(Theo GĐ&XH)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra. Đặc biệt là tình trạng buôn lậu một số mặt hàng từ Trung Quốc trên tuyến đường sắt và quốc lộ 70; buôn lậu lâm sản từ Văn Chấn - Nghĩa Lộ theo quốc lộ 32 qua thành phố Yên Bái về các tỉnh miền xuôi vẫn diễn ra khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây không ít khó khăn cho cán bộ, chiến sỹ Chi cục Quản lý thị trường khi thực hiện nhiệm vụ.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh đã tạo ra xu hướng tăng lương hiện nay cho dù chất lượng của nguồn nhân lực vẫn còn chậm được cải thiện. Cùng với việc điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng lương mạnh trong năm 2008.
Ngày 20/2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình chung của Chính phủ hợp tác với các cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người.
YBĐT - Chúng tôi đến Nậm Khắt, Mù Cang Chải (Yên Bái) trong cái rét cắt thịt da, khi đồng bào Mông ở 9 thôn bản tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền và tết Nguyên đán.