Khi nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 31 xã, thị trấn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, người dân không có vốn để phát triển kinh tế nên đã nghèo lại càng nghèo thêm. Bây giờ, nhờ những nguồn vốn ưu đãi, người nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
(Ảnh: Nguyễn Giang)
|
Đến thăm gia đình anh Triệu Văn Định ở thôn Nậm Pươi, xã Nậm Búng, trước đây là một trong những gia đình đặc biệt khó khăn của xã. Tháng 5 năm 2004, anh được vay 6 triệu đồng thông qua chương trình cho vay hộ nghèo với lãi suất 0,45%/tháng đối với xã vùng cao. Với lợi thế sẵn có của địa phương là nhiều bãi chăn thả, anh quyết định dùng toàn bộ số tiền được vay mua một con trâu nái sinh sản phục vụ sản xuất.
Sau hơn 3 năm, từ con trâu nái này đã sinh sản thêm 2 con nghé con, trong đó một nghé 2 năm tuổi và một con 2 tháng tuổi. Dự định của anh sẽ bán con bê lớn trả gốc cho ngân hàng. Nếu tính giá trị của 3 con trâu này theo giá thành như hiện nay thì gia đình anh lãi trên 15 triệu đồng. Nếu con trâu nái này cứ sinh sản ổn định thì gia đình anh Định sẽ dần thoát được nghèo.
Khác với gia đình anh Định, gia đình chị Đinh Thị Bin ở thôn Bản Lọng xã Sơn Thịnh, cuối năm 2003 chị được vay vốn phát triển kinh tế qua Hội Phụ nữ xã với số tiền ban đầu là 7 triệu đồng, lãi suất 0,5%/tháng đối với những xã vùng 2. Gia đình chị đầu tư toàn bộ mua 2 con lợn nái sinh sản, 10 con lợn con. Từ 2 con lợn nái đã cung cấp đủ lợn giống cho gia đình và cứ như thế bình quân mỗi năm chị xuất chuồng trên 1 tấn lợn hơi và đến năm 2006 đã trả xong nợ cho ngân hàng. Với số tiền còn dư, chị tiếp tục mở rộng qui mô. Nhờ đồng vốn đó, hiện giờ gia đình chị có một mô hình chăn nuôi tương đối lớn, có lúc đến trên 40 con lợn thịt, trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Trong 2 năm trở lại đây gia đình chị thu trên dưới 70 triệu đồng, đã trở thành hộ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Năm 2008 Ngân hàng CSXH huyện phấn đấu tổng nguồn vốn huy động trên 105,8 tỷ đồng, trong đó nhận từ trung ương trên 104,8 tỷ đồng; huy động tại địa phương 1 tỷ đồng. Từ nguồn huy động đó, phấn đấu tổng dư nợ 105,5 tỷ đồng, trong đó vay hộ nghèo trên 58,6 tỷ đồng; vay vốn giải quyết việc làm trên 4,25 tỷ đồng... Ngân hàng CSXH huyện đã có những giải pháp như làm tốt công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và nhân dân thấy được hiệu quả của nguồn vốn giải ngân; tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho các đối tượng thuộc các tổ chức chính trị nhận cho vay vốn ủy thác đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp xã...
Năm 2007, Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn tiếp tục giải ngân nguồn vốn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các tổ chức đoàn thể. Trong năm 2007, Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn đã huy động vốn được trên 69,3 tỷ đồng, trong đó vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh cấp trên 68,8 tỷ đồng; vốn huy động tại địa phương 780 triệu đồng.
Từ nguồn huy động đã giải ngân được trên 22,5 tỷ đồng, bằng gần 170% so với năm 2006 và bằng 74,6% kế hoạch năm 2007, bao gồm: cho vay hộ nghèo trên 11,1 tỷ đồng; vay vốn 120 trên 1,4 tỷ đồng; vay xuất khẩu lao động gần 550 triệu đồng... nâng tổng số dư nợ của toàn huyện lên trên 69,2 triệu đồng bằng 98,2% kế hoạch năm. Trong đó, tổng dư nợ theo các đơn vị tổ chức hội nhận ủy thác như: Hội Phụ nữ trên 29,5 tỷ đồng, Hội Nông dân gần 19 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh trên 13,3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, các hộ vay vốn đã trồng mới và cải tạo gần 650 ha chè, cây ăn quả và quế; mua được trên 2450 con gia cầm, gia súc các loại; đầu tư 6 dây chuyền sản xuất chè đen.. Trong năm qua, qua kiểm tra các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Nhờ đó, thu nhập bình quân đã tăng lên 6,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1 triệu đồng so với năm 2006, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện giảm xuống còn 29,98% giảm 4,22% so với năm trước.
Tin tưởng rằng, trong năm 2008, nhờ nguồn vốn giải ngân kịp thời của Ngân hàng CSXH huyện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhiều hộ gia đình thoát được nghèo và ổn định cuộc sống.
Tuyết Mai
Các tin khác
YBĐT - Hơn 11 giờ trưa, tan ca học buổi sáng. Hơn 100 học sinh của Trường trung học Nông lâm nghiệp Yên Bái ùa vào bếp ăn của nhà trường. Bữa ăn của các em chỉ diễn ra trong khoảng 7-10 phút, bởi một mâm cơm 6 suất chỉ có 1 đĩa nhỏ thịt ba chỉ rim đậu phụ, 2 bát canh rau và 1 âu cơm áng chừng mỗi em chỉ được 2 bát là hết.
Chiều 21/2, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết: Viện Vệ sinh dịch tễ TP Hồ Chí Minh đã có kết luận xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân Lại Văn Tấn là âm tính với vi rút cúm A/H5N1.
Hơn một tuần qua, khoa khám bệnh của BV Nhi TƯ và BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị bệnh thủy đậu (phỏng rạ) tới khám. Theo các bác sĩ nhi, thời điểm này chính là mùa của bệnh thủy đậu.
YBĐT - Năm 2007, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra. Đặc biệt là tình trạng buôn lậu một số mặt hàng từ Trung Quốc trên tuyến đường sắt và quốc lộ 70; buôn lậu lâm sản từ Văn Chấn - Nghĩa Lộ theo quốc lộ 32 qua thành phố Yên Bái về các tỉnh miền xuôi vẫn diễn ra khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây không ít khó khăn cho cán bộ, chiến sỹ Chi cục Quản lý thị trường khi thực hiện nhiệm vụ.