Phát triển cây thuốc bản địa gắn với xóa đói giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái là tỉnh ở vùng núi Tây Bắc có 29 dân tộc anh em sinh sống. Rừng ở Yên Bái xưa có nhiều cây thuốc bản địa tồn tại như: đẳng sâm, sa nhân, ba kích, cẩu tích, thiên niên kiện, thổ phục linh, hoài sơn, bổ cốt toái, hà thủ ô, huyết đẳng cùng nhiều cây thuốc nam kinh nghiệm dân gian của nhân dân các dân tộc sinh sống trên đất rừng Yên Bái từ ngàn năm đã góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Những năm ở thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ 20, rừng Yên Bái đã cung cấp hàng trăm tấn dược liệu khô cung ứng cho thị trường thuốc đông dược mỗi năm. Đến nay, những nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa này cũng đã cạn kiệt. Vào rừng bây giờ, khó mà nhìn thấy cây thuốc, đi rừng xa cũng hiếm gặp những cây thuốc già dặn, đủ tuổi khai thác. Ở đất thuốc mà vẫn phải đi tải thuốc ở nơi khác về dùng. Tâm sự với những ông lang, bà mế thuốc nam mới thấy hết những khát khao, tiếc nuối của họ về cây thuốc bản địa và nghề thuốc gia truyền, những tâm trạng buộc ta phải nghĩ suy cho tương lai của nghề thuốc cổ truyền.

Theo thống kê của ngành dược, cả nước có hơn 40 bệnh viện y học cổ truyền, gần 4000 cơ sở chẩn trị đông y sử dụng khoảng 30.000 tấn dược liệu với tổng số 150 – 180 vị thuốc có nguồn gốc từ thảo dược để khám và chữa bệnh cho nhân dân hàng năm. Tỷ trọng dược liệu chiếm khoản 30% nguyên liệu sử dụng cho công nghiệp dược cả nước, nhu cầu dược liệu cho công nghiệp dược hàng năm là 30.000 tấn. Đó là chưa kể tới hàng chục tấn thuốc nam bản địa do ông lang, bà mế sử dụng theo kinh nghiệm tại cộng đồng. Phát triển cây thuốc bản địa đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu này hàng năm là một hướng đi, một nguồn thu đáng kể giúp xóa đói giảm nghèo ở miền núi.

Nhiều tài liệu, sách báo y học đã nói tới những giá trị to lớn của cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc bản địa trong bảo vệ và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Một đặc điểm cơ bản của cộng đồng các dân tộc thiểu số là họ luôn sống ở các vùng rừng núi, nơi có rất nhiều cây thuốc mọc tự nhiên. Những cây thuốc mà chỉ có họ, người bản địa biết và sử dụng theo kinh nghiệm truyền thống và lưu truyền trong từng cộng đồng dân tộc, được gọi là cây thuốc dân tộc bản địa... Nhiều loại cây thuốc chưa được ghi chép thành sách vở nhưng những ông lang, bà mế này biết cách chữa bệnh riêng. Họ không cần bắt mạch, không biết y lý của y học cổ truyền (YHCT) như các ông lang ở miền xuôi, nhưng họ chữa các bệnh rất hiệu quả như: chữa vết thương phần mềm, sản hậu, bó gãy xương, như rắn độc cắn, bệnh trẻ em... Một số người còn biết lấy thuốc cho những đôi vợ chồng chậm có con hoặc làm ngừng sinh đẻ...

Để duy trì ảnh hưởng của tri thức bản địa và nền văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc anh em về YHCT phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng dẫn và giúp đỡ người dân trồng thuốc nam bản địa là việc làm quan trọng và cần thiết, vừa tạo việc làm và thu nhập cho người dân, vừa chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu làm thuốc cho chăm sóc sức khỏe, đồng thời với nó là huy động sự góp sức của người dân chủ động tham gia bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên nơi họ sinh sống. Trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, sự tham gia của người dân rất quan trọng, đó là nhu cầu xã hội hóa trong bảo tồn. Thực tế cho thấy, không phải cứ có nhiều tiền, lập ra nhiều trạm kiểm soát thì việc kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ tốt. Đối với cây thuốc cũng vậy, phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng và bảo tồn, đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ để họ có ý thức bảo tồn, gìn giữ, sử dụng bền vững và phát triển nguồn cây thuốc bản địa của chính họ mới là giải pháp hữu hiệu.

Trong những năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã tích cực tuyên truyền và chỉ đạo cán bộ hội viên của Hội góp sức trồng và sử dụng thuốc nam bản địa, đẩy mạnh việc tuyên truyền xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe bằng YHCT trong cộng đồng. Nhiều mô hình tổ chức trồng và sử dụng thuốc ban bản địa tốt ở Yên Bái được hình thành, hoạt động hiệu quả bước đầu như: Đào Thịnh, Hưng Khánh (huyện Trấn Yên); Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn); Cảm Ân (huyện Yên Bình); Đông Cuông (huyện Văn Yên)...

Những năm tới, Hội sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác này ở Yên Bái, có nghiên cứu sâu hơn về cây thuốc bản địa ở từng vùng, tranh thủ sự giúp đỡ của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ và nhà nước để hỗ trợ nhân dân phát triển trồng cây thuốc bản địa thu lợi, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế xã hội ở trong tỉnh. Mong rằng, những ý nguyện này của cán bộ hội viên Hội Đông Y sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong tỉnh.

Bùi Văn Hải

Các tin khác

YBĐT - Trong năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã chỉ đạo cơ sở, khảo sát xây dựng và ra mắt các làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đồng thời triển khai các văn bản liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Mẫu rau do Cục Bảo vệ thực vật lấy từ ruộng thí nghiệm của tiến sĩ Khải.

Ngày 8-9/3, việc gieo trồng rau xà lách, cải xanh để thử nghiệm thuốc "tăng vọt" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Kết luận sẽ có khoảng giữa tháng 4.

Ngày 10/3 tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 14 Tiểu ban Phòng chống bệnh lở mồm long móng khu vực Đông Nam Á với sự tham gia của 8 quốc gia khu vực và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã khai mạc, hội nghị đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ khống chế hoàn toàn được dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) do ảnh hưởng của thị trường thế giới qua sự biến động tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng, lương cơ bản tăng, giá nguyên liệu dược phẩm, bao bì cũng tăng, nên nhiều doanh nghiệp dược thời gian qua cũng đã đề nghị xin điều chỉnh giá thuốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục