Giáo dục lại - cách đưa trẻ em hư trở lại "quỹ đạo"
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong xu hướng hội nhập, chúng ta rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, việc GDL là rất cần thiết nhằm góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội ở lứa tuổi vị thành niên, GDL đưa các em vào đúng quỹ đạo, hình thành nhân cách tốt để trở thành công dân tốt. Đó là trách nhiệm không của riêng ai.
Tiết học “Dán tranh giấy” của các cháu mẫu giáo nhỡ Trường mầm non Thực Hành tỉnh. (Ảnh: Phí Đức Long)
|
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan"
(Bác Hồ)
Tình cảm của Bác với trẻ em thật là nhân ái, suy nghĩ của Bác về trẻ em rất đầy đủ "ăn, ngủ" để lớn lên về thể chất, "học hành" là để lớn lên về trí tuệ. Đó là sự lớn khôn mà gia đình và xã hội đều mong muốn. Đại đa số trẻ em đều trưởng thành bình thường như vậy và trở thành những công dân có ích dù ở vị trí nào trong xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, do nhiều nguyên nhân, một bộ phận trẻ em đã chệch ra ngoài quỹ đạo chung, các em không thể tự hoàn thiện mình và sinh ra nhiều biểu hiện lệch chuẩn về suy nghĩ, về quan niệm sống và hành vi mà chúng ta thường gọi là bộ phận trẻ em hư khó bảo, trẻ em chậm tiến, vô lễ, vô tổ chức kỷ luật, hay quậy phá, bất cần đời...
Nếu các em không được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm giáo dục lại (GDL) các em sẽ trở thành hư hỏng tiêu cực dẫn tới phạm pháp, là gánh nặng cho xã hội.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới xuất hiện bộ phận trẻ em cần phải GDL? Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan:
Trước hết là nguyên nhân tâm lý. Một bộ phận trẻ bị rối loạn tâm lý hoặc hệ thần kinh không bình thường, chỉ số IQ không đạt chuẩn, thường là IQ<90 (chậm phát triển trí tuệ) hoặc IQ = 90 đến 120 (trí tuệ yếu). Một số trẻ em bị chấn thương về tình cảm như sớm phải chứng kiến những cảnh thương tâm của người ruột thịt như tai nạn, chết chóc chia lìa hoặc mồ côi, tuổi thơ thiếu tình thương yêu... khiến các em có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức như vô lễ, lập dị trong sinh hoạt, xa lánh mọi người và lệch chuẩn cả về luật pháp...
Hai là, nguyên nhân do giáo dục. Do những cách giáo dục sai lầm như cha mẹ hoặc người đỡ đầu quá khắt khe, hà khắc, áp chế trẻ thô bạo khiến các em thù ghét người thân mà phá bĩnh, cũng có khi do ông bà, cha mẹ quá nuông chiều, đáp ứng vô điều kiện mọi yêu cầu của trẻ cũng làm trẻ sinh hư. Một số gia đình người lớn không gương mẫu như ăn nói bừa bãi, ly hôn, trộm cắp, phạm pháp... khiến trẻ noi gương xấu. Có khi cha mẹ bị cuốn vào vòng quay mưu sinh quá chật vật, ít có điều kiện quan tâm đến con, hoặc mải làm giàu, chạy theo đồng tiền, thờ ơ xa rời con, có khi cung cấp dư thừa về vật chất nhưng lại không hiểu con, không chia sẻ tâm tình cũng khiến trẻ nổi loạn để gây sự chú ý hoặc thể hiện mình. Đôi khi do trẻ bị hình phạt hoặc kỷ luật do những quyết định sư phạm không phù hợp khiến trẻ phản ứng tiêu cực dẫn tới thái độ bất chấp người trên, bất chấp mọi biện pháp giáo dục, gây rối trong tập thể, phá vỡ những nguyên tắc xây dựng nhân cách.
Các em thường thích nổi bật, ăn mặc đầu tóc dị hợm, nói năng bừa bãi, có những hành vi ngông nghênh mà những người nghiêm túc khó lòng chấp nhận. Có một bộ phận trẻ em ngoan nhưng do quản lý lỏng lẻo nên bị bạn xấu lôi kéo vào chơi bời lêu lổng sinh ra trộm cắp...
Bộ phận trẻ em cần được GDL là mối lo ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội vì từ hư hỏng đến phạm pháp, trượt dài về nhân cách cũng không xa. Để giúp các em hoàn lương và trở lại quỹ đạo đúng đòi hỏi người lớn và đặc biệt là người giáo dục phải có cái nhìn khách quan, có trái tim nhân ái bao dung và có phương pháp sư phạm đúng đắn, từ đó tìm ra những giải pháp GDL có hiệu quả. Cách đây 10 năm, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nêu vấn đề GDL thành một chuyên đề lớn triển khai trong chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên cho toàn ngành và đã được quan tâm trong nhiều năm qua song do những tác động mới của xã hội trong cơ chế thị trường thời mở cửa, số trẻ em cần GDL không giảm mà có những biểu hiện mới đáng quan ngại khiến không ít phụ huynh bó tay cho là "bất trị" và buông xuôi. Điều này rất nguy hại. |
Nhìn nhận ở góc độ sư phạm, chúng ta phải công nhận rằng "Nhân chi sơ, tính bản thiện" con người sinh ra vốn bản chất thiện, những thói xấu là do tiêm nhiễm trong quá trình sống, vì vậy, trẻ em hư có thể GDL song cần có phương pháp tốt, môi trường tốt, cần có sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội để khơi gợi nhân tính, lương tri ở các em, muốn vậy, trẻ cần được phân loại chỉ rõ các nguyên nhân khiến trẻ hư.
Đa phần trẻ em hư thường ngang ngạnh hơn khi thấy bị bỏ rơi, bị tẩy chay, bị ghẻ lạnh, các em cũng luôn khao khát tình thương, sự bao dung độ lượng. Các em cần được yêu thương, cảm thông uốn nắn kiên trì, cần được lôi cuốn vào các hoạt động tập thể lành mạnh, có thể giao một số nhiệm vụ cụ thể ở trường lớp, giao chăm sóc những con vật nhỏ bé yếu đuối ở nhà để khôi phục niềm tin ở trẻ, di chuyển hứng thú của trẻ vào đúng hướng.
Có 3 phương pháp sư phạm quan trọng mà ta nên tuân thủ khi GDL. Đó là: thuyết phục: dành thời gian gần gũi tâm tình, chia sẻ những uẩn khúc, những khó khăn về tâm lý để trẻ lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Nêu gương: cha mẹ, ông bà, thầy cô, bà con xóm giềng phải là những công dân tốt, để trẻ noi theo. Khuyến khích: luôn động viên tin tưởng ở sự tiến bộ của trẻ, yêu thương và tôn trọng các em, có niềm tin vào đối tượng giáo dục, phát huy năng lực cảm hóa để tác động vào tư tưởng tình cảm của trẻ.
Trong xu hướng hội nhập, chúng ta rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, việc GDL là rất cần thiết nhằm góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội ở lứa tuổi vị thành niên, GDL đưa các em vào đúng quỹ đạo, hình thành nhân cách tốt để trở thành công dân tốt. Đó là trách nhiệm không của riêng ai. Với quan điểm nhân ái tích cực của văn hào Anđecxen "Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối" thì mỗi chúng ta đều thấy mình có trách nhiệm với trẻ em cần được GDL bởi vì "trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai".
Dương Hiền Nga
Các tin khác
Ngày 20/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Tổ chức Y tế Thế giới sẽ họp báo công bố về nguyên nhân xung quanh các ca tử vong sau tiêm vaccine thời gian qua.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển GD 2008 - 2020, tiếng Anh sẽ là một môn học bắt buộc ở bậc Tiểu học (từ lớp 3). PGS. TS Nguyễn Lộc- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình GD, Bộ GD&ĐT, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
YBĐT - Hưởng ứng “Tháng Thanh niên” năm 2008 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM 26-3-2008, Huyện đoàn Lục Yên (Yên Bái)đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động “Tháng Thanh niên” nhằm tuyên truyền sâu rộng trong tuổi trẻ toàn huyện về truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam.
Thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, vừa phát hiện dịch cúm gia cầm trên đàn vịt 1.300 con, làm chết 900 con. Đàn vịt trên chưa được tiêm vắc – xin cúm gia cầm. Chi Cục Thú y Sóc Trăng cùng lực lượng ở xã đã tiêu hủy toàn bộ số vịt trong đàn.