Giúp phụ nữ có cuộc sống tốt hơn

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2005, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo triển khai thực hiện dự án “ Phát triển tổng hợp cấp thôn và giáo dục hành động cộng đồng” do tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ với mục đích là cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức, trình độ năng lực cho phụ nữ bằng các hoạt động cụ thể như tăng thu nhập cho các hộ gia đình từ trồng trọt và chăn nuôi, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch cho người dân.

Tình nguyện viên xã Bản Công hướng dẫn các gia đình thực hiện vệ sinh môi trường.
Tình nguyện viên xã Bản Công hướng dẫn các gia đình thực hiện vệ sinh môi trường.

Với chức năng là người vợ người mẹ lao động chính trong các gia đình, phụ nữ Mông ít có thời gian nghỉ ngơi, không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ gia đình và tham gia học văn hoá, tỷ lệ chị em mù chữ chiếm trên 90%.  Phong tục tập quán lạc hậu, thói quen, nếp nghĩ lâu đời của người dân khó thay đổi còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 Xác định chọn  Bản Công làm mô hình điểm xây dựng dự án để nhân ra diện rộng tại các địa phương khác trong huyện nên khi triển khai dự án, hội Phụ nữ 3 cấp và xã đã tiến hành khảo sát, kiểm tra phong trào thực tế tại cơ sở, họp dân để nắm bắt thông tin thống nhất xây dựng kế hoạch cho cả quá trình triển khai cũng như kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, đáp ứng mong muốn cần thiết của người dân địa phương.

 Bản Công là một xã khó khăn của huyện, có 285 hộ với 1.952 nhân khẩu, cư trú tại 5 thôn, bản, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đời sống kinh tế -  xã hội đã có bước  phát triển đáng kể. Song, tỷ lệ hộ đói  nghèo vẫn còn chiếm tới gần 80%. Thực trạng vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, số hộ có nguồn nước sinh hoạt còn ít, cường độ lao động của người phụ nữ rất cao.

Chị Hảng Thị Rông - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “ Đối với đồng bào Mông chúng tôi, chỉ vận động tuyên truyền thì vẫn chưa đủ, họ phải mắt thấy, tai nghe thì mới thực hiện và làm theo. Vì thế, khi thực hiện Dự án, chúng tôi đã chọn những hộ gia đình là trưởng thôn, trưởng bản người có uy tín trong cộng đồng làm mô hình điểm. Từ đó, hội viên phụ nữ và nhân dân trong xã đến học tập những mô hình điểm nhận thấy rõ lợi ích của việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, giữ vệ sinh môi trường, biết sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày là cần thiết, vì thế các hoạt động của Dự án đã đi vào nền nếp”.

Cùng với xây dựng mô hình, Dự án đã hỗ trợ cho xã lắp ống dẫn nước về 5 thôn bản, 10 cụm dân cư; xây dựng được 39 bể lọc và bể chứa nước phục vụ sinh hoạt cho 75% số hộ được hưởng lợi; mở 6 lớp xoá mù chữ cho 120 phụ nữ trong độ tuổi, xây dựng 7 tủ sách cộng động tại các cụm dân cư, duy trì 8 nhóm tự học sau xoá mù chữ; mở 32 lớp chuyển giao KHKT cho 950 người về kỹ thuật sản xuất chăn nuôi xây dựng 18 mô hình điểm trồng lúa, ngô lai, đậu tương trên đất dốc cho năng suất cao.

Dự án đã hỗ trợ cho xã mua 6 máy xay xát, 3 máy sao chè, 5 máy khâu, 3 máy thêu, xây dựng 9 nhà để máy xay xát và để máy sao chè; tập huấn 10 lớp vận hành máy xát thóc; mở 24 lớp tập huấn về công tác vệ sinh môi trường. Trong 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục hành động cộng đồng ( GDHĐCĐ) tại xã, đã vận động 70% số hộ gia đình có 1.576 cải tiến sửa đổi. Nhờ chương trình GDHĐCĐ nên cuộc sống gia đình của các tình nguyện viên và người dân trong xã đã có sự cải thiện về các điều kiện: sinh sống, sức khoẻ, lao động, nhà cửa ngăn nắp tươm tất hơn, sạch sẽ hơn, có ý thức giữ gìn vệ sinh và phòng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn. Từ đó tăng cường mối quan hệ gắn bó người dân hướng đến những hoạt động trong cộng đồng và biết cách bảo hộ lao động trong sản xuất. Phương pháp GDHĐCĐ đã giúp đồng bào Mông tránh được tư tưởng tự ty, cho rằng nghèo thì không có điều kiện thực hiện, không thể thay đổi chất lượng cuộc sống.

Anh Phàng A Dê - tình nguyện viên thôn Tà Sùa xã Bản Công cho biết: “Từ khi tham gia Chương trình GDHĐCĐ, bản thân tôi đã làm cho gia đình 25 công việc cải tiến. Những công việc này rất có lợi đối với vợ tôi như: kê cao bếp ngang tầm đứng của vợ, làm ống đựng đũa bằng tre, cải tiến góc học tập cho con...”. Đến nay nhân dân các thôn, bản của Bản Công đã định canh, định cư ổn định, nhiều hộ đã xoá được đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 79% năm 2006 xuống còn 63% năm 2007.

Hoạt động Dự án “Phát triển tổng hợp cấp thôn và chương trình giáo dục hành động cộng đồng” tại xã Bản Công đã mang lại nhiều lợi ích cho hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với kiến thức KHKT; tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình tiên tiến hiệu quả tại các tỉnh Cần Thơ , Sóc Trăng, Lào Cai, Lạng Sơn để cải tiến vận dụng ở địa phương, giúp chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ý kiến  xây dựng quy ước, hương ước xây dựng bản làng văn hoá, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội phụ nữ đạt 70%. Bản Công trở thành điểm sáng trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu. 

 Quỳnh Nga

Các tin khác
Trẻ em nhập viện tăng do thời tiết chuyển mùa.

Mấy ngày qua, trẻ em nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư từ 1.400 đến 1.500 trẻ, tăng 200 đến 300 em so với những ngày trước. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư nhận định, nguyên nhân là do thời tiết chuyển mùa.

Tư vấn xin nhập quốc tịch cho đồng bào người Hoa tại TP HCM.

Dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi vừa được Bộ Tư pháp đưa ra thẩm định lần cuối đã thống nhất bỏ nguyên tắc “một quốc tịch” quy định tại Luật Quốc tịch năm 1998.

Chăm sóc, kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho bệnh  nhân lao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua, công tác chống lao cũng đã đạt được nhiều kết quả trong việc phát hiện, quản lý điều trị và truyền thông. Số bệnh nhân lao chung và lao phổi đã giảm từ 80/100.000 dân năm 2002 xuống còn 47/100.000 dân năm 2007. Nhận thức của nhân dân về bệnh lao cũng đã được cải thiện rõ rệt thông qua các hoạt động với nhiều loại hình truyền thông từ tỉnh đến cơ sở.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã bắt đầu tiến hành đợt phun thuốc kích thích đầu tiên trên rau thí nghiệm ở cả 3 miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục