Công tác y tế dự phòng ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Được thành lập từ tháng 8/2006, trên cơ sở sáp nhập Đội Vệ sinh phòng dịch - Sốt rét và Đội Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có chức năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; phòng chống HIV/AIDS; phòng chống bệnh xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm; chăm sóc sức khoẻ sinh sản và truyền thông giáo dục sức khoẻ trên địa bàn huyện.
Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Phòng khám Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái.
|
Do mới thành lập nên Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực lẫn cơ sở vật chất. Giám đốc Trung tâm - bác sĩ Nguyễn Văn Thế cho biết: “Số cán bộ có 22 người, trong đó có 4 bác sĩ. Hiện tại cơ quan chưa có cơ sở hoạt động riêng mà được cấp 8 gian phòng với 162 m2 sử dụng tại khu Bệnh viện Đa khoa huyện cùng một số trang thiết bị từ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Do chức năng nhiệm vụ nên không có kế hoạch giường bệnh và chia thành 2 phòng và 5 khoa. Nguồn kinh phí được cấp hàng năm chưa tương thích với chức năng, nhiệm vụ được giao mà cũng chưa tính đến đặc thù của công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là ở huyện vùng cao xa trung tâm tỉnh. Tuy vậy, Trung tâm đã sớm đi vào ổn định và hoạt động có nền nếp, hiệu quả”.
Nhìn cả quá trình mới thấy hết được sự cố gắng của những người cán bộ làm công tác y tế dự phòng ở Mù Cang Chải.
Đội ngũ ít, song, Trung tâm đã biết dựa vào các cấp chính quyền địa phương, những người làm công tác y tế thôn bản để triển khai nhiệm vụ nhanh nhất, tốt nhất. Công tác giáo dục sức khoẻ được các cấp, các ngành quan tâm truyền thông với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, là phương pháp truyền thông trực tiếp thông qua họp cộng đồng, tuyên truyền nhóm nhỏ đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Càng ngày, các tập tục lạc hậu có hại cho sức khoẻ như hút thuốc phiện, cúng ma thay vì chữa bệnh bằng thuốc, buộc trâu dưới gậm sàn.. được loại bỏ dần và có những thay đổi về hành vi theo hướng có lợi cho sức khoẻ về phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng như vệ sinh cá nhân, vệ sinh làng bản, thu gom phân rác làm phân bón, làm nhà vệ sinh, bảo quản sử dụng nguồn nước sạch. Tỷ lệ này năm sau luôn cao hơn năm trước, cho đến nay, toàn huyện có 4.785/6.469 hộ được dùng nước sạch; 536 hộ có hố xí hợp vệ sinh.
Hằng năm, Trung tâm đều có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh, làm tốt việc điều tra, giám sát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm. Thế nên, nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Từ năm 2002 đến nay, chỉ xuất hiện 2 vụ dịch nhỏ là dịch tiêu chảy cấp ở xã Nậm Khắt và lỵ ở xã Khao Mang, đều được phát hiện sớm và kịp thời dập tắt không để lây lan ra diện rộng.
Các ca bệnh truyền nhiễm gây dịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng quản lý như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... cũng không thấy xuất hiện. Đối với công tác phòng chống sốt rét, ngoài vận động nhân dân có thói quen ngủ màn, vệ sinh nơi ở thì Trung tâm cũng tiến hành các biện pháp như phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn, xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét.. Vì vậy, không có dịch bệnh sốt rét xảy ra và không có bệnh nhân tử vong do loại bệnh này. Tỷ lệ bệnh nhân giảm hẳn, nếu năm 2002 có 392 ca thì đến năm 2007 chỉ còn 169 ca.
Trong điều kiện hiện nay thì huyện Mù Cang Chải đang là địa phương nghèo và chậm phát triển của tỉnh Yên Bái. Chính vì thế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vẫn nhiều thiếu thốn, suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao. Mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm đã được đưa vào nghị quyết của Huyện uỷ cùng HĐND - UBND từ huyện đến xã, thị trấn; các biện pháp thực hiện cũng được triển khai đồng bộ, kết hợp với các chương trình xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Song, vì nguồn lực có hạn, tỷ lệ hộ dân nghèo cao nên tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm chậm, đến nay vẫn là 30%. Điều này càng đòi hỏi Trung tâm phải có nhiều biện pháp thiết thực phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em để chương trình đạt hiệu quả cao.
Giờ đây, quốc lộ 32 được nâng cấp và trở thành con đường giao thông huyết mạch của huyện cũng như tỉnh bạn Lai Châu. Lại thêm nhiều chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn, lưu lượng khách qua lại nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ ngoài xâm nhập. Cùng với tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động thì việc kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh xã hội phải được đẩy mạnh. Khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì sức khoẻ nhân dân là quyết tâm của tập thể những người làm công tác y tế dự phòng huyện Mù Cang Chải.
Thế Quynh
Các tin khác
Thay vì hỗ trợ 15.000 đồng cho một gia cầm bị tiêu hủy như hiện nay, sắp tới, mức hỗ trợ sẽ được nâng lên 20.000 - 22.000 đồng, tương đương 70% giá trị gia cầm theo giá thị trường.
Những ngày gần đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các Sở GD&ĐT trong cả nước đề nghị bắt đầu chiến dịch tổng kiểm tra, đánh giá về chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 11 và CT - SGK thí điểm phân ban lớp 12. Đây là một cuộc tổng kiểm tra có quy mô lớn nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện cải cách giáo dục phổ thông theo CT - SGK mới.
Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định huy động nguồn vốn khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng để lập quỹ quay vòng cho một chu kỳ học 5 năm cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải học phí và các khoản sinh hoạt phí.
YBĐT - Hội phụ nữ xã Bảo ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) gồm 1.120 hội viên được chia làm 16 chi hội cơ sở. Là một xã thuần nông, lao động nữ chiếm gần 50% nên việc vận động phụ nữ học tập, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất được xác định là nhiệm vụ hàng đầu.