Trạm Tấu: Cần khắc phục yếu kém trong công tác hội phụ nữ

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, công tác và phong trào phụ nữ ở Trạm Tấu (Yên Bái) luôn nhận sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện. Đồng thời, Hội Phụ nữ đã phấn đấu phát huy truyền thống đoàn kết sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, xây dựng huyện Trạm Tấu ngày càng phát triển.

Mặc dù vậy, với huyện vùng cao như Trạm Tấu có tỷ lệ người dân tộc Mông chiếm đại đa số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, vẫn là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Tình trạng phụ nữ bị phân biệt đối xử, bạo hành trong gia đình vẫn còn xảy ra. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở một số ngành, đơn vị chưa thật sự được quan tâm đúng mức; chưa tương xứng với số lượng và tiềm năng phát triển của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban chấp hành Huyện ủy chỉ có 6/33 đồng chí, chiếm 18%; 1 đồng chí trong Ban thường vụ huyện ủy; 1 đồng chí là ủy viên UBND huyện chiếm 14%.

Trong tổng số 98 cán bộ là trưởng, phó các ban ngành, đoàn thể huyện thì chỉ có 14 đồng chí là nữ, chiếm gần 14%, trong đó chỉ duy nhất 1 đồng chí là người Mông tham gia công tác Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Đối với cấp cơ sở xã, thị trấn, tỷ lệ chị em phụ nữ tham gia công tác Đảng, chính quyền cơ sở rất thấp.

Cụ thể, có 4/12 Đảng ủy có Đảng ủy viên là nữ là các xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Túc Đán và thị trấn Trạm Tấu; 12/12 xã thị trấn không có cán bộ nữ là ủy viên ủy ban. Tỷ lệ chị em phụ nữ là đại biểu HĐND cấp xã chỉ chiếm 13,5%. Mỗi cơ sở xã có 18 cán bộ công chức hưởng lương thì duy nhất chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là cán bộ nữ. Bà Hoàng Thị Thủy – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện nói vui rằng: “Nếu chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không dành cho phái nữ, thì chắc chắn ở một số cơ sở xã sẽ không có cán bộ là nữ”.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với những chị em được tín nhiệm làm công tác quản lý, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình mình. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy thì có đến 90% cán bộ nữ làm quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 7/12 cơ sở Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đối với phụ nữ cấp cơ sở xã, thị trấn thì cũng gặp rất nhiều khó khăn do trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn hạn chế, nhiều chị em chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và xã hội về bình đẳng giới; về vai trò năng lực của phụ nữ còn hạn chế; sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ chưa đầy đủ, có nơi còn khoán trắng cho Hội Phụ nữ. Công tác quy hoạch, đào tạo đề bạt sử dụng cán bộ nữ có nơi còn chưa chủ động, chưa mạnh dạn giao việc cho phụ nữ. Hội Phụ nữ cấp cơ sở chưa tích cực trong công tác tham mưu đề xuất với Đảng, chính quyền về công tác phụ nữ và trong các vấn đề liên quan.

Để nâng cao trình độ năng lực cho chị em phụ nữ, trong năm 2007, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện và cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đã có 106 lượt chị em tham gia học tập các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, 7 cán bộ tham gia tập huấn quản lý dự án, 27 chị tham gia học tập lớp sơ cấp chính trị và 7 chị tham gia đi học văn hóa. Khó khăn nhất trong công tác đào tạo cán bộ nữ là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Phụ nữ khi xây dựng gia đình ít có điều kiện để tham gia công tác xã hội, tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ do áp lực công việc gia đình quá nhiều. Nhận thức trong gia đình người phụ nữ làm quản lý, nhất là phụ nữ dân tộc Mông còn hạn chế, gia đình nhà chồng không muốn vợ tham gia công tác xã hội.

Trường hợp bà Hờ Thị Lay, có nhiều năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phình Hồ và là đại biểu HĐND huyện, nhưng đến đầu năm 2006, bà Lay đã phải xin thôi không đảm nhiệm các chức vụ này nữa, bởi một nguyên nhân rất đơn giản do chồng không tham gia vào công tác Đảng, chính quyền của xã nên không muốn vợ tham gia, bắt vợ phải ở nhà lo toan công việc gia đình. Người thay thế công việc bà Lay là chị Giàng Thị Súa, cũng đã rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đến năm 2007, chị Súa cũng phải viết đơn xin thôi không đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã gửi lên Ban cấp hành Hội phụ nữ huyện. Huyện Hội đã phải thành lập đoàn công tác đến tận gia đình nhà chồng chị Súa để tuyên truyền vận động gia đình cho phép chị tiếp tục công tác phụ nữ, vì hiện tại ở xã cũng chưa tìm được ai có trình độ tương đương để thay thế. Chị Súa là người phụ nữ Mông duy nhất ở xã Phình Hồ học xong chương trình phổ thông trung học. Cũng đã có rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ người Mông đi họp công tác phụ nữ ở xã phải mang theo con đi họp cùng và không phải 1 mà là 2, thậm chí là 3 đứa vì để ở nhà cũng không có người trông nom vì mỗi đứa chỉ cách nhau chưa đầy 2 tuổi.

Để giải bài toán này, Huyện ủy Trạm Tấu đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những mục tiêu rất cụ thể: đến năm 2015 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy xã là từ 15% - 20%, cấp huyện là từ 30% - 35%. Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp cơ sở đạt từ 20% - 30%.

Tỷ lệ nữ tham gia quản lý nhà nước từ 10 – 15% và có ít nhất từ 1 đến 2 chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã là nữ. Tỷ lệ nữ là cán bộ chủ chốt các ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội đạt từ 25% - 40% trở lên. Phấn đấu đến năm 2015, có 60% phụ nữ từ 18 đến 40 tuổi đã học xóa mù chữ được tiếp tục học sau xóa mù chữ; 70% cán bộ chủ chốt phụ nữ cơ sở có trình độ trung học phổ thông và 50% chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở có trình độ từ sơ cấp chính trị trở lên.

Đến năm 2020, tỷ lệ nữ lao động qua đào tạo đạt trên 40%, 45% cán bộ công chức nữ cấp huyện và 30% cán bộ nữ cấp xã đào tạo xong chương trình lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và được phổ cập tin học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quê hương Trạm Tấu ngày càng phát triển.

Mạnh Cường
(Đài TT- TH Trạm Tấu)

Các tin khác
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2007.

Sáng 27/3, Bộ GD&ĐT thông báo, 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh, Lịch sử. Kỳ thi này sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30/5.

Chiều ngày 26/3, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).

YBĐT - Ngày 26/3, đồng chí Nguyễn Quân - Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc kiểm tra về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh Yên Bái.

Hội Phụ nữ xã Yên Thành (Yên Bình) tuyên truyền, tư vấn tại gia đình về phòng chống bạo lực gia đình.

YBĐT - Hội Phụ nữ huyện Yên Bình (Yên Bái) xác định, việc tuyên truyền trong các cấp hội thực hiện xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã chỉ đạo có kết quả hoạt động này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục