Yên Bái: Sau 10 năm xây dựng thôn bản văn hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 1.242/2.342 thôn bản xây dựng được qui ước và tiến hành ra mắt xây dựng TBVH. Trong đó, đã có 816 thôn bản được công nhận đạt chuẩn (đạt 34,8%).

Thiếu nữ dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) cùng nhau học chữ Thái cổ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Thiếu nữ dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) cùng nhau học chữ Thái cổ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa (TBVH) ở Yên Bái chính thức được triển khai từ đầu năm 1998. Sau gần 2 năm thực hiện, một số làng bản văn hóa tiêu biểu đã ra đời: Ao Luông, Bản Chanh (Văn Chấn), Cang Nà (Nghĩa Lộ). Năm 1999, Ban chỉ đạo nếp sống văn hóa tỉnh đã tổ chức hội nghị mở rộng tại Nghĩa Lộ để rút kinh nghiệm và nhân rộng phong trào ra toàn tỉnh từ những mô hình trên.

Kể từ sau hội nghị này, phong trào xây dựng TBVH ở Yên Bái đã có những bước đi mới trên diện rộng. Ngành VHTT với chức năng thường trực ban chỉ đạo các cấp đã khẩn trương hoàn thiện các nội dung hướng dẫn xây dựng TBVH để triển khai thống nhất trong toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về lợi ích thiết thực của xây dựng TBVH được ưu tiên hàng đầu và được triển khai với nhiều hình thức phong phú trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Các ban, ngành, đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương vào cuộc, tích cực chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện. Tất cả những yếu tố đó, là động lực cơ bản để phong trào xây dựng TBVH ở Yên Bái thu được nhiều kết quả tốt trong thời gian qua.

Nhiều làng văn hóa tiêu biểu đã trở thành điểm đến tham quan, học tập của các địa phương trong và ngoài tỉnh như, Cang Nà (Nghĩa Lộ), Khe Ván (Văn Yên), Hán Đà (Yên Bình)... Các huyện vùng cao tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng tích cực vận động nhân dân xây dựng TBVH. Các TBVH ở Kim Nọi, Zế Xu Phình (Mù Cang Chải), Hát Lừu (Trạm Tấu), Suối Giàng, Thượng Bằng La (Văn Chấn), Khai Trung (Lục Yên), Quang Minh (Văn Yên)... đã mang sắc thái và đặc trưng tiêu biểu cho đời sống văn hóa của đồng bào ít người vùng cao.

Nhân dân ở các TBVH đã được dân chủ bàn bạc, thảo luận, thống nhất xây dựng qui ước văn hóa (những qui định trong phạm vi thôn bản nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của các thành viên), chủ động xây dựng các chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương.

Tại các TBVH tình làng nghĩa xóm luôn được vun đắp, củng cố và thắt chặt. Mọi xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống đều được giải quyết thỏa đáng, hợp tình, hợp lý nhờ hoạt động tích cực của các tổ chức hội, tổ hòa giải ở cơ sở. Các hộ nghèo, gia đình khó khăn đều được cộng đồng chung tay giúp đỡ để thoát nghèo. Các thôn bản đều có đội an ninh, đội tự quản hoạt động tích cực góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, các thôn bản đều xây dựng được quỹ khuyến học để động viên trẻ em nghèo học giỏi. Nhân dân tự giác chấp hành tốt pháp luật và hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kế hoạch hóa gia đình đã có những chuyển biến tích cực. Cảnh quan, vệ sinh môi trường được đảm bảo, đồng bào ít người vùng cao đã từ bỏ được tập quán mất vệ sinh từ lâu đời như: thả rông gia súc, làm chuồng nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức của nhân dân vùng cao.

Bên cạnh đó, hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc. Đặc biệt, qua triển khai phong trào đã làm chuyển biến về cơ bản nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân về lợi ích thiết thực của xây dựng TBVH trong đời sống xã hội. Đến nay, việc xây dựng TBVH đã trở thành nhu cầu tự thân của tất cả các cơ sở trong tỉnh.

Qua mười năm thực hiện phong trào, đến nay toàn tỉnh đã có 1.242/2.342 thôn bản xây dựng được qui ước và tiến hành ra mắt xây dựng TBVH. Trong đó, đã có 816 thôn bản được công nhận đạt chuẩn (đạt 34,8%). Đặc biệt, Yên Bái đã được Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" Trung ương đánh giá là một địa phương tiêu biểu trong công tác xã hội hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn bản.

Tiêu biểu trong toàn tỉnh là huyện Văn Yên, 100% thôn bản trong huyện đã có nhà văn hóa với giá trị từ 30-80 triệu đồng/nhà. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 800 nhà văn hóa thôn bản với tổng kinh phí huy động được trên 20 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp trên 80%, còn lại là hỗ trợ của Nhà nước). Nhà văn hóa thôn bản đã phát huy tốt chức năng, là nơi để bà con tổ chức hội họp, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng... nâng cao đời sống tinh thần.

Năm 2006, HĐND tỉnh Yên Bái đã ra nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn  hóa cơ sở giai đoạn 2006-2010 của UBND tỉnh, trong đó đã quyết nghị nội dung đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở với tổng nguồn vốn trên 70 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 55%, nhân dân đóng góp 45%) để đến năm 2010 toàn tỉnh đạt 100% thôn bản có nhà văn hóa và các nhà văn hóa đều có trang thiết bị để tổ chức các hoạt động. Đây là sự quan tâm rất lớn của tỉnh cho mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, mà cụ thể là xây dựng nhà văn hóa thôn bản.

Động lực đó đã thúc đẩy phong trào xây dựng TBVH lên một bước tiến mới, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đỗ Quân - Hồng Vân

Các tin khác
Phần lớn bệnh nhân tiêu chảy cấp có sử dụng rau sống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn ngày 1/4 vừa ký công điện khẩn về chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhấn mạnh việc nghiêm cấm dùng phân tươi tưới rau. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên loại bỏ rau sống ra khỏi bữa ăn.

Chiều 1-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Đây là lĩnh vực phức tạp song lại cần điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

YBĐT – Ngày 2/4, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Khai giảng lớp Đại học hệ đào tạo vừa học vừa làm, chuyên ngành Báo chí khóa 2008 - 2012. Dự lễ khai giảng có Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc - Phó Giám đốc Học viện, lãnh đạo Báo Yên Bái, Đài PT-TH tỉnh và 68 tân sinh viên thi đỗ trong đợt tuyển sinh vừa qua.

YBĐT - Ngày 1/4, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê đất của tỉnh Yên Bái đã chủ trì hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục