Nâng cao nhận thức phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em
- Cập nhật: Thứ hai, 7/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, ở tỉnh Yên Bái đã phát hiện 10 vụ, 15 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em; số nạn nhân phát hiện là 23 người, trong đó 21 người bị bán sang Trung Quốc, 2 người bị bán vào ổ mại dâm trong nước.
Cán bộ phụ nữ huyện Yên Bình tuyên truyền cho hội viên về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Một bộ phận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ở trong nước chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi ra thành phố, thị xã để làm gái mại dâm. Còn lại phần lớn phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài, đến nhiều nước khác nhau. Theo thống kê trong toàn quốc, năm 2005 có 209 vụ (499 nạn nhân), năm 2006 có 328 vụ (966 nạn nhân), năm 2007 có 369 vụ (938 nạn nhân). ở tỉnh Yên Bái, năm 2007 đã phát hiện 10 vụ, 15 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em; số nạn nhân phát hiện là 23 người, trong đó 21 người bị bán sang Trung Quốc, 2 người bị bán vào ổ mại dâm trong nước.
Với vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, xác định công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp hội, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tỉnh ủy Yên Bái, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã đưa ra mục tiêu thực hiện là: nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và các vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Năm 2007, các cấp hội đã mở 147 lớp tập huấn cho 4.415 hội viên nòng cốt, 426 buổi tuyên truyền cho 23.930 hội viên, phụ nữ những vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, các kiến thức giới, phòng chống bạo hành; mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ trong độ tuổi 18-40; tổ chức hội thi và hội thảo về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, phụ nữ với pháp luật ở các xã trọng điểm và cấp tỉnh cho gần 1.000 tuyên truyền viên và hàng ngàn người dân tham gia.
Bên cạnh đó, phát 2.000 tờ rơi có nội dung về những điều cần biết khi kết hôn với người nước ngoài; 300 cuốn sổ tay về văn bản pháp lý khi kết hôn với người Đài Loan; in 800 tờ lịch có các thông điệp phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và các địa chỉ cần thiết để liên lạc xuống tận cơ sở những vùng trọng điểm. Đến tháng 12/2007, Hội đã có 254 câu lạc bộ với nhiều loại hình như: gia đình hạnh phúc, phụ nữ ba không, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, cha mẹ phòng chống ma túy, quản lý giáo dục trẻ em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, tổ nữ thanh niên, phụ nữ với kiến thức pháp luật v.v...
Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Đã có 879 người được tham gia các lớp dạy nghề mây giang đan, thêu dệt thổ cẩm, may dân dụng, may công nghiệp, thú y thôn bản, trồng trọt và chế biến nông sản, trồng nấm, chưng cất dầu quế... và tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5.891 người, giới thiệu 343 người có việc làm ổn định, 181 người xuất khẩu lao động.
Hoạt động phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em với các hình thức phong phú, đa dạng như tập huấn, sinh hoạt tổ nhóm, tọa đàm, tổ chức hội thảo, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông... đã thu hút đông đảo các đối tượng tham gia. Hội viên, phụ nữ tham gia câu lạc bộ còn được giúp đỡ về vốn, kiến thức pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội, kinh doanh, kiến thức về giới, phòng chống bạo hành, khoa học kỹ thuật, khởi sự kinh doanh... Các hoạt động giúp đỡ đối tượng bị buôn bán trở về như khám bệnh, xét nghiệm HIV/AIDS; giúp làm thủ tục cho các cháu con lai; giúp vốn, kiến thức, chăm sóc sức khỏe để các chị xóa bỏ tự ti, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy đã đạt được những thành quả đáng kể, nhưng tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán vẫn diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp do điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội nảy sinh, nhất là sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp. Một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân rất khó khăn, dân trí thấp, nhiều phụ nữ, trẻ em và gia đình họ ở trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị lôi cuốn vào quá trình tìm kiếm việc làm ở đô thị hay nước ngoài. Mặt khác, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố xấu như các luồng văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy trong nước và khu vực nên bọn tội phạm trong nước móc nối với tội phạm nước ngoài đã khai thác, lợi dụng các điều kiện này để hoạt động phạm tội.
Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh phải tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em như: khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình phụ nữ, trẻ em bị lừa bán, phụ nữ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cơ sở, đặc biệt là nâng cao trình độ cho đội ngũ tuyên truyền viên bằng nhiều hình thức: tập huấn, tổ chức các cuộc thi, hội thảo, diễn đàn...; đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, trẻ em gái để ngăn ngừa nguy cơ bị buôn bán. Và đặc biệt là cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong các hoạt động phòng chống buôn bán người, trong đó có phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Nguyễn Thị Thu Hà
Các tin khác
YBĐT - Tính đến hết quý I năm 2008, BHXH tỉnh Yên Bái thu được 27,5 tỷ đồng đạt 12,3% kế hoạch được giao.
YBĐT - Chương trình hành động “Tháng thanh niên năm 2008” tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã thu hút trên 3.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.
YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có gần 1.000 cơ sở kinh doanh nhóm thực phẩm có nguy cơ cao đang hoạt động phải bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2008 l Chiều 6-4, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí: