Yên Bái - Đa dạng hoá các hình thức dạy nghề
- Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xác định đào tạo nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, công tác đào tạo nghề ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã có những nét chuyển biến tích cực. Trong đó phải kể đến sự phát triển về qui mô, mạng lưới và cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề.
Học vi tính tại Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm phụ nữ Yên Bái. Ảnh: Thành Trung.
|
Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh Yên Bái ngày càng được củng cố và phát triển. Từ 7 cơ sở dạy nghề toàn tỉnh năm 2001, năm 2007, hệ thống cơ sở dạy nghề được mở rộng đến hầu hết các địa phương trong tỉnh với 17 cơ sở. Trong đó: 1 trường trung cấp Nghề, 2 trường trung học chuyên nghiệp có hoạt động dạy nghề, 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 5 trung tâm khác có hoạt động dạy nghề là các trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm kỹ thuật tổng hợp, 2 cơ sở dạy nghề tư nhân.
Riêng năm 2006, đã thành lập được 3 trung tâm dạy nghề ở các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải. Đồng thời, đang tiến tới thành lập thêm Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu, nâng tổng số cơ sở dạy nghề toàn tỉnh lên 19 cơ sở, phủ kín cơ sở dạy nghề ở tất cả các địa phương. Ngoài ra, còn thu hút hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nghề, đặc biệt là lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn. Cho đến nay, tỉ lệ cơ sở dạy nghề ngoài công lập của tỉnh Yên Bái chiếm 12%.
Cùng với việc phát triển mạng lưới, các cơ sở dạy nghề đã được tăng cường một bước quan trọng về cơ sở vật chất. Đến hết năm 2007, các cơ sở dạy nghề được đầu tư 214.930m2 diện tích đất sử dụng và 6.377m2 đất xây dựng, với tổng giá trị tài sản trên 21 tỷ đồng, trong đó: giá trị xây lắp trên 9 tỷ đồng (gấp 9 lần so với năm 2000), thiết bị dạy nghề gần 12 tỷ đồng (gấp 11 lần so với năm 2000). Riêng năm 2006, các cơ sở dạy nghề được đầu tư 4,1 tỷ đồng và năm 2007 là 5,7 tỷ đồng để nâng cao năng lực dạy nghề. |
Mở rộng hệ thống và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đã thúc đẩy quy mô, hình thức và chất lượng đào tạo nghề. Quy mô đào tạo đã tăng đáng kể do việc mở rộng các loại hình cơ sở dạy nghề, đa dạng hoá các trình độ đào tạo (ngắn hạn, dài hạn) và đa dạng hoá hình thức dạy nghề. Quy mô tuyển sinh vào học nghề tăng nhanh.
Hiện nay, Trường trung cấp Nghề Yên Bái đào tạo công nhân dài hạn tay nghề bậc 3/7 với qui mô 520 học sinh/năm, đào tạo ngắn hạn 700 học sinh/năm. Các trường trung học chuyên nghiệp có dạy nghề đào tạo được trên 100 học sinh hệ ngắn hạn/năm. Mỗi trung tâm dạy nghề đào tạo hệ ngắn hạn với qui mô 300-400 học sinh/năm và ở mỗi cơ sở dạy nghề ngoài công lập là 30-50 học sinh/năm. Tổng số học sinh tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm khoảng 10%.
Bên cạnh dạy nghề chính qui tập trung, các cơ sở dạy nghề có sự đa dạng hoá các hình thức dạy nghề: dạy tại cơ sở, tại các doanh nghiệp, tại các làng nghề, tại xã, thôn bản trong đó có cả những xã đặc biệt khó khăn… Trường trung cấp Nghề Yên Bái đã mở lớp đào tạo dài hạn tại huyện Lục Yên và Văn Yên, Trường cũng mở nhiều lớp lái xe tại các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề của nhiều trung tâm cũng đã có nhiều tiến bộ. Một số trung tâm dạy nghề đã làm tốt nhiệm vụ liên kết đào tạo các nghề cơ khí, điện, sửa chữa xe máy, lái xe hạng B, lái xe mô tô…
Những chuyển biến rõ nét này trong dạy nghề có thể được nhận thấy từ số lượng nghề đào tạo cho đến qui mô tuyển sinh. Năm 2005, các cơ sở dạy nghề toàn tỉnh chỉ đào tạo có 19 nghề, đến nay đã tăng lên 24 nghề. Số lượng tuyển sinh năm 2001 là 2.330 người, đến năm 2006 con số này tăng gần ba lần với 6.825 người. Cho đến năm 2007, đã đào tạo nghề cho 7.260 người, trong đó trung cấp nghề là 700 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 6.560 người. Hết năm 2007, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 28,33%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 12%.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, củng cố, phát triển mạng lưới dạy nghề, đổi mới hoạt động của các cơ sở dạy nghề để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường vẫn là một trong những giải pháp được xác định để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong thời gian tới. Cùng đó là tăng cường quy mô và cơ cấu đào tạo, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, phương pháp đào tạo, động viên khuyến khích toàn xã hội tham gia công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội được học nghề để tiến tới phổ cập đào tạo nghề trong toàn tỉnh.
Đào tạo nghề đã thực hiện theo hướng gắn với nhu cầu và địa chỉ sử dụng: một số trung tâm đã thực hiện hiệu quả việc mở lớp dạy nghề tại xã gắn với giới thiệu việc làm cho các công ty trong nước, Trường trung cấp Nghề Yên Bái và Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng tỉnh Yên Bái liên kết mở lớp đào tạo sản xuất thiết bị cơ khí…Nội dung và phương pháp đào tạo ngày càng được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, coi trọng việc đào tạo năng lực thực hành cho người lao động, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. |
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Để chiến lược dân số giai đoạn 2001-2010 thực sự đem lại hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển Văn Yên(Yên Bái) công tác dân số tiếp tục cần nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó việc duy trì hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số nhất là đối với tuyến xã, thôn, bản được đặt lên hànd đầu.
YBĐT - Sườn dốc trơn trượt và màn mưa ngày càng dày hạt không hề làm gián đoạn bài tập của thiếu tá, giáo viên Nguyễn Văn An và các học viên trên thao trường. Mưa lẫn trong những giọt mồ hôi càng khiến các anh thêm quyết tâm hoàn thành bài tập kỹ chiến thuật với chất lượng tốt nhất. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường vơi đổ máu” là đích đến để thầy và trò Trường Quân sự tỉnh Yên Bái chung sức rèn luyện.
YBĐT - Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) gặp không ít khó khăn bởi tội phạm này ngày càng có hoạt động tinh vi; hình thức hoạt động ít sử dụng tại nhà, thay đổi liên tục phương tiện đi lại, địa điểm mua bán và chia thành nhỏ lẻ để đối phó; khi bị phát hiện đều có sự chống đối quyết liệt.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành hướng dẫn cụ thể các mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên dạy nghề.