Phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm: Cần sự nỗ lực của toàn xã hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những tháng đầu năm nay, dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có diễn biến hết sức phức tạp, hàng ngày số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên. Tính đến ngày 14 tháng 4 năm 2008, số người nhiễm đã lên đến con số 1.335, trong đó số dương tính với phẩy khuẩn tả là 136, 18 tỉnh có người mắc tiêu chảy cấp tính nguy hiểm và đang có nguy cơ lan nhanh ra các tỉnh khác.

Với những bát tiết canh này, liệu có bảo đảm chắc chắn rằng không bị nhiễm phẩy khuẩn tả?
Với những bát tiết canh này, liệu có bảo đảm chắc chắn rằng không bị nhiễm phẩy khuẩn tả?

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trên thực tế gần như dịch tả của thế kỷ trước, vì trong số những người nhiễm bệnh, tỷ lệ dương tính với vi khuẩn tả là tương đối cao. Bệnh tả là một bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các biểu hiện của bệnh khi mới xuất hiện cũng là các bất thường ở đường tiêu hóa như nôn nhiều và ỉa chảy liên tục. Do mất nước liên tục với số lượng lớn, người bệnh có các biểu hiện như khát nước liên tục, sút cân nhiều, trọng lượng cơ thể có thể giảm từ 10% - 25% trong một thời gian ngắn, trụy tim mạch, suy kiệt. Do lượng nước mất quá lớn sẽ gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nếu không được điều trị tích cực sẽ dẫn đến tử vong.

Dịch tả là một dịch bệnh rất nguy hiểm, vì có tốc độ lây lan nhanh, số lượng người mắc nhiều, bệnh lây theo đường ăn uống cho nên việc phòng tránh cũng gặp nhiều khó khăn do thói quen, phong tục tập quán, ý thức chủ quan, sự thiếu hiểu biết và coi thường của mọi người.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh, có cách phòng bệnh và chữa trị khá hiệu quả, tỷ lệ tử vong do bệnh này đã giảm nhiều. Nhưng do tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, việc điều trị cũng có những khó khăn hơn, nếu đại dịch xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế và đời sống của toàn xã hội.

Về nguồn bệnh, hiện nay có 3 nguồn bệnh chính đang được các tài liệu đề cập là:

1.Bệnh nhân đang bị bệnh.

2.Người lành mang vi khuẩn là những người mang vi khuẩn nhưng không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, có thể là những bệnh nhân bị bệnh nhưng đã chữa khỏi triệu chứng đi ỉa.

3.Một số thực vật thủy sinh và động vật phù du trong nước mặn, cửa sông, ven hồ, vi khuẩn có thể sống kết hợp với một số cây và động vật dưới nước, gây nhiễm cho nước trở thành một kho tàng lưu trữ vi khuẩn nguy hiểm và tiềm tàng.

Chúng ta cũng cần loại bỏ ý nghĩ bệnh chỉ lây truyền đối với những người ăn mắm tôm, thịt chó. Thủ phạm gây ra bệnh không phải là mắm tôm, thịt chó mà là vi khuẩn. Từ những nguồn bệnh đã nêu trên, khi có dịch, vi khuẩn sẽ từ phân người bệnh phát tán ra môi trường xung quanh, khả năng tồn tại của vi khuẩn tả tại môi trường khá lâu và rất đa dạng: trong đất là 60 ngày, trong sữa 6-10 ngày, trong rau quả 7-8 ngày, trong nước máy 4-40 ngày, trong nước giếng 3-30 ngày, trong nước sông 17-19 ngày, trong nước ao hồ 3-30 ngày, trong nước biển 4-47 ngày, trong ruồi 14-21 ngày, trên bề mặt da của cơ thể là 30 ngày và trong bánh mỳ, nem chua, nem chạo, mắm tôm, mắm tép 3-7 ngày.

Như vậy, vi khuẩn có thể tồn tại ở rất nhiều môi trường khác nhau, với thời gian tồn tại khá lâu ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Vì thế, phòng bệnh và đẩy lùi bệnh là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần có sự phối hợp nghiêm túc của tất cả mọi người dân.

Để có thể khống chế và loại trừ được bệnh dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của bệnh, không được chủ quan coi thường, hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, cơ chế truyền bệnh và cách phòng tránh. Đó là trách nhiệm của tất cả các cấp chính quyền, là lương tâm và nhiệm vụ của tất cả các cán bộ làm công tác y tế, là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người dân. Tất cả cùng chung tay và thực hiện tốt các biện pháp sau thì mới có thể nhanh chóng dập tắt được bệnh dịch nguy hiểm này:

1.Nấu chín thức ăn.

2.Đun sôi nước uống.

3.Rửa sạch tay (3 nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra  năm 1987).

Cụ thể là thực hiện đầy đủ 6 biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm sau đây:

1.Thực hiện ăn chín uống sôi, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống. Dụng cụ uống và dụng cụ chế biến đồ uống không để ruồi, nhặng đậu vào; rửa sạch sẽ và tráng nước sôi trước khi chế biến.

2.Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Nước sử dụng để sinh hoạt, chế biến thực phẩm phải khử trùng.

3.Dụng cụ chế biến thức ăn phải sạch sẽ, bát đũa, thìa nĩa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng nước sôi.

4.Bảo quản tốt thực phẩm, thức ăn đã chế biến; chống ruồi, nhặng, mưa gió, bụi bẩn bám vào.

5.Không phóng uế ra môi trường. Xử lý phân, xử lý rác, chất thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón rau. Dùng mọi biện pháp để diệt ruồi, nhặng, chuột, bọ...

6.Thực hiện 6 không:

-Không ăn rau sống

-Không ăn tiết canh

-Không ăn mắm tôm, mắm tép sống

-Không ăn gỏi cá, hải sản sống

-Không ăn nem chạo, nem chua

-Không uống nước lã, nước đá không bảo đảm vệ sinh.

Vào mùa hè, bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao, do khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các động vật trung gian truyền bệnh cũng phát triển mạnh như: ruồi, nhặng, côn trùng...

Để có thể khống chế được bệnh, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình và gia đình mình; vệ sinh môi trường, tăng cường các biện pháp diệt ruồi nhặng; vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt. Tất cả đồ ăn, thức uống trước khi đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa cần được bảo đảm chắc chắn rằng không bị nhiễm vi khuẩn. Mọi dụng cụ để đựng thức ăn cần được rửa kỹ và nhúng nước sôi trước khi sử dụng; không để ruồi, nhặng, côn trùng đậu vào thức ăn đã nấu chín. Tạo ra một qui trình khép kín từ chế biến đến sử dụng không bị nhiễm khuẩn, chắc chắn chúng ta sẽ khống chế được dịch nguy hiểm này.

Vì sức khỏe của bạn và của cả cộng đồng, hãy cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm!

Bác sĩ Trần Khắc Quyền
(Trung tâm Truyền thông
 Giáo dục sức khỏe Yên Bái)

Các tin khác
Trạm Y tế xã Cao Phạ, một trong năm trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế xã của huyện.

YBĐT - Bước vào thực hiện Đề án Chuẩn quốc gia về y tế với rất nhiều khó khăn đặc thù của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), song sau ba năm thực hiện đã có 5 xã của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng cao.

16h ngày 17/4, tâm bão số 1 cách quần đảo Hoàng Sa 70 km. Với sức gió lên tới gần 150 km một giờ, đêm nay, bão sẽ đổ bộ vào Hoàng Sa, nơi có 135 tàu thuyền cùng gần 2.400 ngư dân đang trú tránh bão.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng chỉ đạo trong thời gian tới, các địa phương phải đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, kiểm soát nguồn gốc động vật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả đội ngũ thú y cơ sở.

Đây không phải là vấn đề mới, đã được cảnh báo nhiều, nhưng số trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Thật đáng tiếc, 70% số vụ đều xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục