Chất lượng lao động trong doanh nghiệp ở Yên Bái:

Thực trạng và giải pháp

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tính đến hết năm 2007, toàn tỉnh Yên Bái có 584 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút trên 22 nghìn lao động có việc làm và thu nhập. Song bức tranh toàn cảnh về chất lượng lao động trong các doanh nghiệp còn nhiều bất cập khi đất nước đang đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Rất cần những lao động có tay nghề cao.
Rất cần những lao động có tay nghề cao.

Chất lượng lao động trong các doanh nghiệp

Cơ cấu đội ngũ công nhân - lao động (CNLĐ) trong các doanh nghiệp với nguồn lao động từ nông thôn chiếm 70%; nguồn lao động từ thị xã, thành phố chiếm 5%; nguồn lao động từ cơ chế cũ chuyển tiếp thuộc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và DNNN chuyển sang công ty cổ phần chiếm 25%.

Ông Cao Ngọc Khánh - Trưởng phòng Lao động - Tiền công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: “Đội ngũ CNLĐ trong các doanh nghiệp đã trẻ hóa, từng bước thích ứng sử dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, tỷ lệ CNLĐ qua đào tạo ở Yên Bái còn thấp, mới đạt 28,7%, trong đó đào tạo nghề chỉ chiếm 9%”.

Chất lượng lao động ở mỗi khu vực cũng khác nhau. Nguồn lao động xuất khẩu chủ yếu từ nông thôn và không có nghề, muốn xuất khẩu lao động được thì người lao động phải qua một thời gian đào tạo nghề. Lực lượng lao động khu vực ngoài quốc doanh, lao động giản đơn chiếm 70%.

Lực lượng lao động ở DNNN do bao cấp quá lâu về vốn và việc làm nên các DNNN khi chuyển sang công ty cổ phần, đa số CNLĐ không thích ứng được với cơ chế quản lý mới và công nghệ tiên tiến. Chỉ tính từ năm 2003 đến năm 2007, có 43 DNNN tổ chức lại sản xuất, đã có 1.258 CNLĐ phải nghỉ việc theo chế độ 41/CP, với tổng số tiền Nhà nước phải chi trả trợ cấp cho người lao động trên 40,532 tỷ đồng.

Điều đáng nói, chất lượng lao động lại không phù hợp giữa cấp bậc công nhân với cấp bậc công việc. Đối với lao động phổ thông, công nhân bậc 4 tuổi đời 50 do lao động chủ yếu bằng cơ bắp nên năng suất lao động thấp hơn công nhân bậc 1 có tuổi đời 24. Ngược lại, đối với lao động kỹ thuật trong các doanh nghiệp dệt, may, công nhân bậc 3 có tuổi nghề còn trẻ, kỹ năng thực hiện các bước công nghệ chưa thành thạo nên không đạt định mức lao động so với công nhân bậc 3 có tuổi nghề nhiều hơn.

Tất cả những bất cập trên làm cho thu nhập của người lao động chưa tương xứng với hao phí đã bỏ ra. Mặt khác, đa phần CNLĐ chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống nên đội ngũ CNLĐ không đồng đều về chất lượng trong các loại hình doanh nghiệp, khiến năng suất lao động còn thấp, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, CNLĐ còn hạn chế về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.

Đâu là nguyên nhân?

Do Nhà nước “ưu ái” quá lâu về vốn và việc làm cho người lao động trong các DNNN đã làm cho người lao động “hư đi” về nâng cao trình độ tay nghề bậc thợ, do đó khi chuyển sang công ty cổ phần với cơ chế “người lao động góp vốn tạo việc làm” thì họ không đáp ứng được. Khi đó, Nhà nước lại phải bỏ ra hàng tỷ đồng để trợ cấp cho người lao động nghỉ việc.

Hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều bất hợp lý và lãng phí. Yên Bái có 4 trung tâm xúc tiến việc làm và một trường trung cấp nghề, hàng năm đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho khoảng 5.000 lao động. Đội ngũ giáo viên có trình độ đại học còn ít, chưa qua đào tạo lại. Thiết bị, đồ dùng dạy học, thực hành lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp.

Chất lượng đào tạo chưa cập được nhu cầu của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp mà chủ yếu đào tạo theo dự án và phong trào “đào tạo cứ đào tạo, học nghề cứ học” nên học sinh ra trường làm việc được ngay đạt 30%, còn 70% phải đào tạo lại.

Chất lượng lao động còn phụ thuộc vào nguồn cung ứng lao động, tỷ lệ lao động xuất thân từ nông thôn chiếm 70%, họ rất khó khăn về kinh tế, không có tiền đóng học phí qua các trường đào tạo. Họ chấp nhận làm lao động phổ thông, tiền công thấp, miễn sao có việc làm là được. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước về lao động còn buông lỏng, nhất là “lao động tự do”, do đó nhiều địa phương không biết người lao động đi đâu và làm gì.

Giải pháp là gì?

Nâng cao chất lượng lao động trong các doanh nghiệp cần có nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ. Song vấn đề quan trọng là các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ CNLĐ và các doanh nghiệp cần nhận thức đúng và đầy đủ quan điểm Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

Muốn bảo đảm chất lượng lao động đầu vào cho các doanh nghiệp thì phải làm tốt công tác hướng nghiệp ở các cấp học phổ thông, giúp cho học sinh định hướng đúng đắn việc lựa chọn nghề phù hợp với học lực, sở trường của bản thân. Theo đó củng cố, kiện toàn hệ thống đào tạo, dạy nghề. Các trung tâm, trường dạy nghề nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, cải tiến giáo trình đến chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và nâng cao thiết bị đồ dùng dạy học, công nghệ thực hành.

Bên cạnh đó, xác định nhu cầu đào tạo, dạy nghề phải quan tâm đến cung, cầu trên thị trường lao động và thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo, dạy nghề, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho người lao động có việc làm, thu nhập sau đào tạo dạy nghề.

Đối với doanh nghiệp cần có chính sách cho CNLĐ “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, đáp ứng với công nghệ tiên tiến và có chính sách thu hút lao động có chất lượng cao. Đối với các ngành chức năng tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp phát triển, sử dụng tối đa nguồn nhân lực đã qua đào tạo, dạy nghề, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động trái với quy định của Luật Lao động.

Phí Quang Thái

Các tin khác

YBĐT - Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại tỉnh Yên Bái có được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là của Ban quản lý dự án (BQLDA) Trung ương nên trong năm 2007 vừa qua đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các chương trình hoạt động.

YBĐT - Phẫu thuật miễn phí cho 50 trẻ em khuyết tật vận động / Trên 4000 lao động được đào tạo nghề / Tình trạng Sinh con thứ 3 ở Nậm Có còn phổ biến

Hiện nay, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo ngày và đêm 22/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc nước ta.

Mới chỉ có 34 tỉnh, thành trên cả nước gửi báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh rau an toàn ở địa phương về Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Trong đó, chỉ 16 địa phương đã và đang xây dựng quy hoạch vùng rau an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục