Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thi hành Luật Đất đai năm 2003, tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến hết năm 2007 đã cấp được 310.649 giấy, diện tích cấp đạt 115.954 ha, đạt tỷ lệ chung khoảng 22,5%.

Tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên đất đai.
Tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên đất đai.

Trong đó, một số loại đất đạt tỷ lệ cao như: đất ở đô thị đạt khoảng 93%; đất chuyên dùng đạt khoảng 87,0%; loại đất đạt tỷ lệ thấp là đất ở nông thôn mới đạt khoảng 51%; đất nông nghiệp đạt khoảng 47,2%; đất lâm nghiệp mới đạt khoảng 19,1%; (số liệu diện tích các loại đất đã cấp giấy, so sánh với diện tích có khả năng cấp).

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất lâm nghiệp, hiện nay, tỉnh Yên Bái đang thực hiện dự án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án thực hiện trong 2 năm (2007 - 2008), về cơ bản phấn đấu giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ xong đối với đất lâm nghiệp trong năm 2008.

Thông qua việc cấp GCN Nhà nước đã lập hồ sơ quản lý đến từng thửa đất, người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật, yên tâm đầu tư sử dụng đất có hiệu quả hơn, thực hiện các biện pháp bảo vệ đất đai; các nguồn thu từ đất đã đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 07/2008/QH12 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008, trong đó có nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hoàn thành cơ bản công tác cấp GCN quyền sử dụng đất các loại đất vào năm 2010. Để đạt được mục tiêu này cần có các giải pháp đồng bộ mới đạt được mục tiêu đã đề ra:

Một là: Cần có sự quan tâm tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, của HĐND, chỉ đạo cương quyết của UBND các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND, việc tổ chức triển khai thực hiện của UBND các cấp trong việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập, quản lý hồ sơ địa chính, cấp GCN. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, nhất là đối với cán bộ ở cấp xã và cấp huyện.

Hai là: Công tác đăng ký đất đai, lập hồ sơ, cấp giấy GCNQSDĐ, nhà nước phải lập hồ sơ để quản lý lâu dài, cần sớm lập dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại, để hàng năm có kế hoạch đầu tư của Nhà nước. Tỉnh Yên Bái có nguồn thu ngân sách thấp, cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương mới hoàn thành được. Hàng năm tỉnh cần giành 10 – 15% các nguồn thu từ đất để đầu tư cho việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ, các huyện vùng cao nguồn thu từ đất thấp cần có sự hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh.

Ba là: Tập trung đẩy mạnh kê khai đối với trường hợp chưa đăng ký để xem xét quyết định công nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đủ điều kiện. Sớm phân định rõ quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) trên bản đồ và thực địa; chỉ đạo bàn giao đất đai, tài sản rừng từ các nông, lâm trường bàn giao cho ban quản lý 661 của cấp huyện. Trên cơ sở quy hoạch UBND cấp huyện xem xét ưu tiên giao đất cho các hộ dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đặc biệt chú ý đến các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sau đó mới xem xét giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp khác và các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế. Tạo điều kiện cho các hộ gia đình được cấp GCNQSDĐ; thực hiện cho ghi nợ tiền sử dụng đất trên GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang làm đất ở hoặc được xét công nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất mà chưa có khả năng nộp tiền theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Bốn là: Cần sớm thành lập văn phòng ký quyền sử dụng đất cấp huyện ngay trong năm 2008, theo hướng là cơ quan dịch vụ công, thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, bố trí đủ nhân lực và các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu về cấp GCN. Có kế hoạch tập trung đào tạo, nâng cao trình độ năng lực và đạo đức của cán bộ, công chức quản lý đất đai, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã và cấp huyện.

Năm là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật đất đai dưới nhiều hình thức (thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, tuyên truyền miệng tại cơ sở, giao lưu trực tuyến...” để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN đối với thửa đất mình đang sử dụng, hiểu biết và chấp hành pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật, tạo điều kiện cho việc cấp GCN theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Sáu là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời uốn nắn các sai sót và nghiêm khắc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật trong công tác cấp GCNQSDĐ. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư. Kiên quyết thu hồi đối với diện tích đất giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng, đất không sử dụng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ của dự án, sử dụng sai mục đích để giao cho người sử dụng đất có hiệu quả.

Phạm Văn Đoàn

Các tin khác

Ngày 21/4, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn đối với đối tượng chính sách.

Sáng 23/4, sau 2 tuần phun thuốc kích thích tăng trưởng, tại Gia Lâm (Hà Nội), các nhà khảo nghiệm đã thu hoạch rau cải xanh. Không giống như xà lách, cải xanh phun thuốc không có sự khác biệt so với loại không phun.

15 giờ chiều 23/4, hàng triệu HS, giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo địa phương tại 64 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam đã cùng tham ra tiết học lớn nhất thế giới. Tiết học lớn nhất thế giới này tại Việt Nam bàn về vấn đề nóng hổi hiện nay: tình trạng HS bỏ học.

Hơn 1.200 học sinh tham dự tiết học.

YBĐT - Tiết học lớn nhất thế giới tại trường THCS Yên Thịnh tổ chức sáng nay đã thu hút sự tham gia của gần 1.600 người trong đó có 1.227 học sinh của 2 trường và các thầy cô giáo, phụ huynh cùng cán bộ địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục