Thạch Lương khắc phục hậu quả thiên tai
- Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cũng như nhiều xã nằm trong lòng chảo Mường Lò, những năm gần đây, Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) chịu tác động mạnh mẽ của thời tiết thay đổi, gây thiệt hại lớn trong sản xuất. Hết bão lũ lại đến rét đậm, rét hại nhưng địa phương vẫn tích cực khắc phục thiên tai để ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội...
Cử tri xã Thạch Lương (Văn Chấn) kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XII về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn.
|
Khu tái định cư cho những hộ gia đình phải di rời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở do nước lũ nằm ngay bên trục đường vào trung tâm xã. Mặc dù mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ chưa giúp được nhiều cho quá trình chuyển cư nhưng có sự giúp đỡ của cộng đồng mà một số ngôi nhà đã được dựng xong và người dân sớm an cư lạc nghiệp.
Anh Lò Văn Xuân - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cho biết: “Cơn bão số 4, số 5 năm 2007 đã gây nên lũ lớn trên suối Tăng, suối Lồ, làm hỏng một số đoạn kè cũng như bồi lấp khá nhiều diện tích đất canh tác. Những gia đình ở ven suối thuộc bản Đường, bản Theng, bản Cọ.., trong năm 2008 này đều phải di dời trước mùa mưa lũ. Riêng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho dự án này đã ngót 3 tỷ đồng”. Đối với một xã thuần nông như Thạch Lương thì chính thiên nhiên cũng góp phần làm tăng thêm khả năng tái nghèo. Nếu như năm 2006 toàn xã chỉ có 363 hộ bằng 43,7% thì qua năm 2007 lại tăng thêm 130 hộ nữa và đã có 5/11 thôn được xếp vào loại địa phương đặc biệt khó khăn để tham gia chương trình 135. Và cũng vì độc canh cây lúa trở thành tập quán lâu đời nên đất ruộng đối với các hộ dân người Thái, người Mường, người Kinh.. nơi đây vô cùng quí giá.
Một lão nông ở bản Đường kể trong xúc động: “Lớp cát sỏi bồi lấp dày quá, chọc ngập cái que dài ngót gang tay chưa đến tầng đất màu. Thế là phải xúc, phải gạt đi để lấy lại đất, để mà gieo lại cây lúa. Cái gì cũng thiếu, tiền thiếu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải vay trước của đại lý để đến mùa bán thóc đi mà trả”. Đất nước ta còn nghèo, chính sách bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp chẳng được là bao thành ra để giữ gìn an ninh lương thực gánh nặng vẫn trên vai nông dân. Chính vì thế mà năng suất bình quân trên 190ha ruộng lúa nước của Thạch Lương bấy lâu nay do biết áp dụng các tiến bộ khoa học đã đạt đến 11,7 tấn/ha thì năm 2007 tụt giảm 3,7 tấn/ha. Cây màu vụ ba cũng ảnh hưởng của nước lũ bị ngập, thành ra chỉ còn 162,5ha, giảm 20ha so với kế hoạch.
Tuy vậy, do quyết tâm chỉ đạo nông dân chăm sóc nên cây vụ đông vẫn phát triển tốt và cây ngô đạt tới diện tích 83ha bằng 105% kế hoạch. Thế nhưng đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 lại một lần nữa tấn công vào đồng đất Thạch Lương. Trong 182ha gieo cấy thì có đến 152ha cây lúa bị chết phải gieo cấy lại. Huyện Văn Chấn đã hỗ trợ 4 tấn giống còn xã huy động trong dân bằng các giống tự có và mua thêm được 7 tấn nữa . Việc gieo cấy xong trước ngày 10 tháng 3 theo lịch chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp huyện và đến nay lúa phát triển tốt.
Nhìn những ruộng lúa lên xanh mà lòng tôi không khỏi nao nao về hạt thóc một nắng hai sương người dân Mường Lò đổ mồ hôi đánh đổi. Thạch Lương đã có sự chuyển đổi khá nhanh trong cơ cấu giống cây trồng khi yêu cầu xoá đói giảm nghèo và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Những năm trước, đã mạnh dạn đưa cây chè vào kinh tế hộ và bây giờ có 14ha đang được chăm sóc phát triển tốt, trong đó nửa diện tích cho thu hái. Còn năm nay, 4 ha diện tích khó lấy nước tưới được chuyển đổi sang trồng 2ha đậu tương và 2ha bí đỏ cùng mướp đắng để lấy hạt xuất khẩu. Diện tích ở những thôn sử dụng nước khe tự chảy đang trong tình trạng thiếu nước do nhân dân các xã của huyện Trạm Tấu cũng khai hoang thêm ruộng, sử dụng nước ngày càng tăng lên thì việc chuyển đổi này cũng là tiền đề để địa phương tìm ra hướng đi mới.
Đến Thạch Lương, được nghe câu chuyện có 2 gia đình ở bản Khem, bản Cọi gửi đơn đến HĐND và UBND đề nghị giải quyết vụ 2 con trâu của họ bị điện giật chết do đường điện của xã xuống cấp nên dây điện bị hở chạm vào dây chống sét đường điện cao thế. Chính quyền xã đã có sự phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Nghĩa Văn là đơn vị quản lý và khai thác điện năng trên địa bàn xã giải quyết hỗ trợ một phần kinh phí để các gia đình mua trâu mới. Còn mùa rét năm nay thì hoàn toàn là tại trời. Để bảo vệ và giữ đàn gia súc 655 con, xã chỉ đạo và vận động nhân dân tăng cường cắt cỏ, cho ăn thêm cám và muối cũng như che chắn chuồng trại giữ ấm cho trâu bò, tuy vậy vẫn có 52 con bị chết, chủ yếu là trâu bò già và bê nghé.
Hiện nay, Thạch Lương đang tích cực sử dụng hỗ trợ của Chính phủ cùng nguồn vốn vay ngân hàng để khôi phục lại. Có thể nói, ngay từ quý I năm 2008, xã đã được Nhà nước đầu tư khá nhiều để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: một dự án điện nông thôn RII; một dự án xây dựng mương Vân Hội, Mường Lò trị giá gần chục tỷ đồng, rồi dự án di dân tránh lũ. Song vẫn còn nhiều việc phải làm để khắc phục những hậu quả do thiên tai mang lại: phòng chống sâu bệnh cho lúa và tăng cường bón phân cân đối nhất là chú ý bón đủ phân ka li để lúa chín sớm đảm bảo có đất trồng vụ đông, kè chống lũ gây sạt lở mất đất, đường liên thôn bản xuống cấp, cầu qua suối cho con em nhân dân đi học, sửa và chống ngôi nhà học của Trường Mầm non bản Có để giữ an toàn cho thầy và trò khi có bão.. Lại còn phải lập kế hoạch cứu đói giáp hạt cho trên 300 khẩu của 101 hộ dân thực sự đói nghèo...
Khó khăn không làm Thạch Lương lùi bước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết một lòng, phát huy mọi năng lực để vươn lên.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Để phát huy có hiệu quả việc quần chúng tham gia công tác BHLĐ, Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" gắn với những hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
YBĐT - Tính đến ngày 25/4, BHXH tỉnh Yên Bái thu được 53,5 tỷ đồng đạt 24% kế hoạch cả năm. Trong đó, khối hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể là 25.084.000 đồng; đối tượng nghèo, người cao tuổi 9.894.000 đồng; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh 7.350.000 đồng…
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, đến nay Bộ Y tế vẫn không thể công bố khống chế được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do lo ngại vi khuẩn tả đã lưu hành tại Việt Nam khiến dịch bệnh còn rải rác và kéo dài.
HS, SV hệ cử tuyển, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, dự bị ĐH... sẽ được hưởng mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu.